Để kích cầu cho một sự kiện lễ hội du lịch quy mô lớn sẽ diễn ra vào đầu tháng 8/2023, Sở Du lịch Tp.HCM mới đây cho biết, hiện có 2 hãng hàng không giảm giá vé. Ngoài ra, còn có 7 doanh nghiệp (DN) lữ hành giảm giá đến 31% các chương trình du lịch nội đô; 10 điểm tham quan giảm giá từ 10% đến 50% các dịch vụ, giá vé trong dịp cao điểm hè 2023.
Tích cực kích cầu tiêu dùng
Bên cạnh đó, có 21 nhà hàng tại Tp.HCM giảm giá từ 5-50% giá dịch vụ, kèm quà tặng hấp dẫn; 29 cơ sở lưu trú giảm giá lên đến 25% giá phòng và các dịch vụ; 3 DN chăm sóc sức khỏe giảm giá đến 25% các dịch vụ.
Ngoài những cú hích nhằm tăng tốc sức mua, cần tránh những “nút thắt” ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng. |
Ngoài kích cầu du lịch, cần kể thêm tại Tp.HCM đang thực hiện chương trình giảm giá bán (từ 5-80%), khuyến mãi lớn, kéo dài từ ngày 15/7 - 15/9 với sự tham gia của một số trung tâm thương mại, siêu thị như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Satra…Trong đó, nhóm hàng thực phẩm như dầu ăn, gạo, trứng, sữa, rau củ quả, thịt, cá…; mỹ phẩm; quần áo các loại đang giảm sâu.
Cách đây một tháng, để cải thiện sức mua, ở Tp.HCM đã có hơn 3.000 DN tham gia, hơn 7.200 chương trình khuyến mãi, trên 30% trong số DN tham gia có hạn mức giảm giá từ 50% trở lên.
Các động tác kích cầu tiêu dùng như vậy là rất đáng khích lệ. Cộng với việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% từ đầu tháng 7/2023 đã giúp cho sức mua tại Tp.HCM được cải thiện phần nào trong gần một tháng qua.
Không riêng gì Tp.HCM, việc tích cực kích cầu tiêu dùng thông qua các động tác giảm giá bán, tăng khuyến mãi là điều mà các địa phương khác trong cả nước cần làm, hỗ trợ DN thực hiện để tăng tốc sức mua trong các tháng cuối năm nay.
Tuy vậy, việc tăng tốc sức mua có thể sẽ gặp không ít thách thức. Đơn cử như hôm 21/7, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.220 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.295 đồng/lít.
Có ý kiến cho rằng, việc tăng giá xăng như vậy có thể ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Còn theo dự báo của Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có thể diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới giá mặt hàng xăng dầu, khí đốt tại thị trường trong nước.
Và ngay cả trước đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần khiến cho người tiêu dùng “hồi hộp” liệu có phập phù như giá xăng hay không? Điều này cần đặt trong bối cảnh đời sống người dân đang gặp khó khăn do kinh tế giảm sút, trong khi điện là hàng hóa đặc biệt thiết yếu mà mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt đều cần.
Đừng để “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Nếu như tiếp tục tăng giá điện thì không chỉ khiến hóa đơn tiền điện của các cơ sở sản xuất, hộ dân tăng thêm, mà nguy cơ giá cả các mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo. Trong khi các gia đình buộc phải tăng chi tiêu vì tăng giá xăng, giá điện thì giá cả nhiều mặt hàng khác sẽ tăng theo kiểu “té nước theo mưa”.
Từ đó để thấy giá xăng, giá điện vẫn là một trong những thách thức để tăng tốc sức mua vào thời gian tới. Nhất là khi để đối phó với bài toán chi phí tăng giá nhiên liệu và giá điện thì DN sản xuất có thể lựa chọn giải pháp tăng giá bán hàng. Khi ấy, người mua lại càng có tâm lý hạn chế mua sắm hơn.
Cho nên, việc kiểm soát giá vì lợi ích của người tiêu dùng là rất quan trọng. Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để người tiêu dùng “dốc hầu bao” cho chi tiêu thì giá hàng hóa và dịch vụ phải ổn định.
Ông Lâm cũng nhấn mạnh, các đợt khuyến mại giảm giá sẽ có hiệu quả rất lớn trong thúc đẩy tiêu dùng. DN và các đơn vị kinh doanh cần giữ chữ tín, không lợi dụng vào mùa cao điểm để tăng giá.
Ngoài câu chuyện về giá cả có liên quan đến sức mua, trong báo cáo cập nhật mới nhất vào trung tuần tháng 7/2023 về kinh tế Việt Nam, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng, nhiều chính sách tài khóa có hiệu lực trong nửa cuối năm 2023 sẽ kích thích tiêu dùng.
Chẳng hạn như chính sách cắt giảm thuế nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, Chính phủ đã tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7/2023. Đợt tăng này sẽ cải thiện khá đáng kể thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ước tính ngân sách nhà nước chi cho chính sách này trong năm 2023 là khoảng 44 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, Chính phủ cũng điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước chi trả từ ngày 1/7. Ngân sách chi cho chính sách này ước tính khoảng 3.550 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay hạ nhiệt cũng sẽ kích thích tiêu dùng trong thời gian tới. Như kỳ vọng từ chuyên gia phân tích của VnDirect, lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm.
Theo đó, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm. Điều này là nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng qua. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
Giới phân tích nhận định, lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng, vốn đã bị suy yếu trong nửa đầu năm 2023 do lãi suất cho vay neo ở mức cao.
Tựu trung lại, để tăng tốc sức mua trong thời gian tới rất cần những “liều thuốc” hữu hiệu từ việc giảm giá bán, tăng khuyến mãi, giảm lãi suất, thực thi các chính sách tài khóa… Tuy nhiên, mối lo lớn cho sức mua vẫn còn đó khi tồn tại những nút thắt theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” dễ dẫn đến chuyện tăng giá bán và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng.
Thế Vinh