Điều kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp nửa cuối năm nay là các chính sách kích cầu tiêu dùng thật sự hiệu quả hơn (đơn cử như tiếp tục giảm lãi suất cho vay) để hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho của họ. Đặc biệt là cần tránh những “cái phanh” kìm hãm sự hồi phục về sức mua trên thị trường tiêu dùng nội địa.
Nhìn vào triển vọng nửa cuối năm của ngành ô tô, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect dự báo doanh số ô tô Việt Nam có thể chạm đáy từ quý 3/2023.
Chờ lãi suất tiếp tục giảm thêm
Để giải bài toán tồn kho cao, các hãng xe và nhà phân phối đang áp dụng chính sách giảm giá mạnh, lên tới 100% lệ phí trước bạ cùng nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn khác. Tuy nhiên, doanh số bán ô tô vẫn đứng trước mối lo tiếp tục ảm đạm do nhu cầu vẫn yếu.
Các siêu thị ở Tp.HCM đang đua nhau khuyến mãi giảm giá để cải thiện sức mua. |
Cho nên, ngoài giảm lệ phí trước bạ 50% cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/7, như kỳ vọng của VnDirect, việc giảm lãi suất cho vay trong nửa cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm các hàng xa xỉ như ô tô. Còn hiện mặt bằng chung lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã giảm xuống dưới 8%/năm.
Không chỉ kích cầu mua sắm ô tô thông qua việc giảm lãi suất, giới phân tích vẫn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản trong 3 tháng tới để cải thiện sức mua trên thị trường tiêu dùng nội địa.
Cần biết thêm, tính đến ngày 15/6/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 3,36% so với đầu năm – mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Lãi suất cao, thủ tục cho vay còn vướng víu có thể như “cái phanh” làm cho thị trường tiêu dùng nội địa khó phục hồi. Giới phân tích vẫn trông đợi tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng có thể đạt mức 10% (thấp hơn so với mục tiêu 14-15% của Ngân hàng Nhà nước).
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, lý giải về việc lãi suất giảm nhưng tín dụng tăng rất thấp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lưu ý cầu tiêu dùng thấp là một trong những nguyên nhân làm cho cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được. Đó còn là do sản xuất kinh doanh của nhiều DN khó khăn, tồn kho nhiều.
Vì vậy, theo ông Tú, hy vọng trong thời gian tới, ngành ngân hàng tập trung tăng cường hơn nữa để lãi suất tiếp tục theo hướng giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo an toàn cho các ngân hàng thương mại.
Giới chuyên gia cho rằng, trong tình hình tồn kho của các DN sản xuất còn nhiều, việc tiếp tục giảm lãi suất sẽ kích cầu tín dụng, qua đó cũng giúp cho DN và người dân sẵn sàng vay nợ nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Giảm 2% thuế VAT chưa thể là “viên đạn bạc”?
Ngoài vấn đề về lãi suất, những dự báo khó khăn về thị trường tiêu dùng nội địa trong nửa cuối năm là điều đáng lo ngại. Như nhận định từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MayBank (MBKE), dự kiến tiêu dùng cá nhân sẽ yếu đi trong nửa cuối năm nay do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trên diện rộng.
Theo MBKE, việc cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12/2023 sẽ làm tăng sức mua của các hộ gia đình, nhưng khó có thể là “viên đạn bạc” trong việc kích thích tiêu dùng do tâm lý thận trọng của người tiêu dùng.
Thăm dò của VnBusiness với người tiêu dùng ở Tp.HCM khi bước vào quý 3/2023 cho thấy, nhiều người đã và đang thắt chặt chi tiêu trong những tháng qua. Với các hộ gia đình đang “thắt lưng buộc bụng”, mặt hàng đắt tiền như ô tô không phải ưu tiên trong lúc này.
Nhất là tình trạng thất nghiệp gia tăng và mất đi thu nhập đang làm suy yếu niềm tin và chi tiêu của các hộ gia đình trong nửa cuối năm nay. Điều đó có thể thấy rõ khi nhiều DN (như các ngành gỗ, dệt may, da giày…) buộc phải cắt giảm nhân công do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm quý 2/2023 có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do các DN thiếu đơn hàng sản xuất.
Song song đó, tiêu dùng của hộ gia đình trong nửa năm qua tăng khá chậm (2,68%) so với cùng kỳ năm 2022 do kinh tế trong nước gặp khó khăn khiến thu nhập của người dân giảm sút. Điều này dẫn đến cầu nội địa đang khá yếu, dẫn tới các DN ngành chế biến, chế tạo có tỷ lệ tồn kho bình quân trong 6 tháng qua đạt tới 83,1%.
Chính vì để tránh những “cái phanh” kìm hãm sức mua trên thị trường tiêu dùng nội địa trong nửa cuối năm nay, điều quan trọng là Chính phủ cần sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Như kỳ vọng từ giới phân tích tài chính, lạm phát toàn phần năm nay sẽ ở mức trung bình +3,4% (so với +3,2% vào năm 2022). Cần lưu ý nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ gây áp lực giảm lạm phát. Chính vì vậy mà các công ty thuộc ngành bán lẻ như công ty du lịch, trung tâm điện máy, siêu thị đua nhau khuyến mãi để kích cầu. Và chính sách cắt giảm 2% thuế VAT cũng sẽ phần nào làm giảm áp lực về giá.
Mặc dù chính sách giảm 2% thuế VAT có thể không là “viên đạn bạc” nhưng đối với DN, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Và khi có công ăn việc làm, người lao động sẽ quay trở lại mua sắm khả dĩ hơn.
Hơn thế nữa, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường khuyến mãi, hạ giá bán thì các DN cũng cần giải quyết những bất ổn trong hệ thống phân phối. Đặc biệt là tránh tình trạng sức mua đã yếu mà giá cả lại tăng thì sức mua sẽ càng yếu thêm. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường để tránh là “cái phanh” kìm hãm sức mua.
Thế Vinh