Chiều 30/7, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7: Trạng thái bình thường mới của Việt Nam sẽ ra sao?
Tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,8% trong năm 2020
Bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, nhìn nhận, Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới vẫn có khả năng bị tổn thương bởi đại dịch trong điều kiện chưa có vắc xin để bảo vệ loài người.
WB dự báo một bức tranh khá sáng sủa với nền kinh tế Việt Nam |
"Đợt lây nhiễm cộng đồng mới bùng phát gần đây tại Đà Nẵng, giống như ở Bắc Kinh hoặc Melbourne trước đó, một lần nữa nhắc nhở về sự mong manh của chúng ta và rủi ro về khả năng tiếp diễn những đợt sóng COVID-19 mới", bà nói.
Theo bà Stefanie Stallmeister, cũng như nhiều quốc gia khác, rủi ro đối với Việt Nam không chỉ ở mặt trận y tế mà cả ở mặt trận kinh tế. COVID-19 đến nay được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong 35 năm qua. Mặc dù Việt Nam vẫn đứng vững trong nửa đầu của năm, nhưng nền kinh tế chỉ tăng trưởng được có 1,8%, tương đương với mức giảm xấp xỉ 5 điểm phần trăm so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó của quốc gia. Đại dịch cũng gây khó khăn kinh tế cho nhiều người.
Báo cáo của WB cho rằng Việt Nam không nên tư duy theo hướng trạng thái bình thường sẽ quay lại như cũ. Thay vào đó, Việt Nam nên xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao, khi đại dịch làm thay đổi cách thức mọi người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau.
Việt Nam sẽ phải vận động trong một thế giới đầy bất định cả ở trong nước và trên quốc tế trong thời gian tới. Chính vì vậy, WB cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, gồm sức cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước, đang bị yếu đi.
Trên quan điểm đó, bà Stefanie Stallmeister cho rằng: Chính phủ sẽ phải chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng kết hợp thận trọng mở cửa biên giới, triển khai gói kích thích tài khóa quy mô, và hỗ trợ đúng đối tượng cho những doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất.
"COVID-19 đã tác động đến hầu như mọi người, nhưng không phải ai cũng như nhau. Chính vì vậy, tình trạng bất bình đẳng mới sẽ nảy sinh, đòi hỏi sự quan tâm của Chính phủ", đại diện WB cho biết.
Tuy vậy, WB tin tưởng rằng, Việt Nam tiếp tục sẽ là một trong những nền kinh tế sôi động nhất trên thế giới. Theo dự báo mới nhất của WB, tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo trên cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.
"Hơn nữa, nhờ thoát được quỹ đạo dịch bệnh trong quản lý khủng hoảng COVID-19, chúng tôi cũng tin tưởng rằng Việt Nam có cơ hội đặc biệt nhằm nâng tầm dấu ấn của mình trong nền kinh tế toàn cầu cả về thương mại và đầu tư, đồng thời nhằm thúc đẩy nghị trình cải cách trong nước, bao gồm chuyển đổi số và quản lý tài nguyên bền vững", bà Stefanie Stallmeister nói.
Tăng khả năng chống chịu cú sốc
Theo đại diện của WB, trong nguy luôn có cơ. Khủng hoảng lần này khác với những lần trước đó và nếu được quản lý tốt có thể giúp Việt Nam tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng và trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045. Để vươn lên tầm cao mới thì đồng thời cũng phải chịu nhiều gian lao.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, chỉ ra những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn dựa vào sức cầu nước ngoài và tiêu dùng trong nước. Hai động lực trên đóng góp đến trên 75% cho tăng trưởng GDP trong các năm 2016-2019.
Trong thời gian tới, hai động lực trên khó có thể sớm phục hồi về các mức trước khủng hoảng. Sức cầu nước ngoài chắc hẳn vẫn yếu vì nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 góp phần làm giảm tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và hoạt động du lịch.
Vì vậy, chuyên gia WB khuyến cáo cần cải thiện khả năng chống chịu các cú sốc trong tương lai, phòng ngừa bao giờ cũng ít tốn kém hơn.
Đồng thời, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhìn nhận, tác động của COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động. COVID-19 tác động đến hầu hết mọi người nhưng nó cũng khiến cho "kẻ được người mất". Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách đảm bảo xã hội vì người nghèo mới chưa chắc đã là người nghèo cũ. Điều chỉnh hệ thống thuế sao cho có tính chất tái phân phối cao hơn, từ giảm thuế trên thu nhập của người lao động đến tăng thuế trên lợi tức bất động sản, đầu tư vào công nghệ số.
Điều này cho thấy, WB đã dự báo một bức tranh khá sáng cho nền kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh COVID-19. GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng, các dự báo quốc tế cập nhật khá sát tình hình tình tế Việt Nam, khả năng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay. Muốn vậy, những tháng còn lại của năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt mức cao hơn. Điều đó có nghĩa chúng ta phải trở lại trạng thái bình thường mới với nhiệm vụ kép là khống chế dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho rằng, nói thực chưa bao giờ dự báo kinh tế trong 6 tháng cuối năm khó khăn như hiện nay. Chúng ta phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố bất định. Vì vậy, mọi dự báo trong nền kinh tế đều trở nên rủi ro vì chúng ta là nền kinh tế nhỏ, độ mở lớn. Lâu nay, Việt Nam phụ thuộc lớn vào đối tác về thương mại, đầu tư - ngay lúc này họ cũng đang rất khó khăn.
Lê Thúy