TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |
Những ngày vừa qua, Việt Nam liên tiếp phát hiện những ca mắc COVID-19. Điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay thế nào thưa ông?
- Trước khi phát hiện các ca bệnh COVID-19, rõ ràng chúng ta đều đang lạc quan tương đối rằng hoạt động kinh tế trong nước sẽ phục hồi. Đặc biệt là những ngành như hàng không, vận tải, du lịch, bán buôn bán lẻ - vốn chịu ảnh hưởng nặng nề COVID-19.
Tại thời điểm hiện nay, tuy rằng dịch bệnh chưa bùng phát, giãn cách xã hội ở mức khoanh vùng. Tuy nhiên về tâm lý của người dân đều sợ không muốn đi du lịch nữa, chỉ khi cần thiết mới đi ra ngoài. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của hàng không, du lịch... Dẫn tới năm nay có thể tăng trưởng kinh tế sẽ thấp kỷ lục kể từ khi đổi mới đất nước.
Mặc dù vậy, mọi dự báo chỉ là dự báo. Cho đến nay có thể nói không ai có thể dự báo được tăng trưởng kinh tế sẽ là bao nhiêu. Chúng ta vẫn đang ở trạng thái hy vọng là mọi chuyện không quá tồi tệ, nền kinh tế sớm được hồi phục.
Thưa ông, bên cạnh giải pháp chống dịch COVID-19. Vậy còn có giải pháp gì có thể giúp nền kinh tế Việt Nam chống chịu tốt cú sốc COVID-19?
- Khi cầu giảm sút, một mặt chúng ta phải duy trì cầu, hai là tăng cầu lên. Đây là giải pháp về ngắn hạn.
Còn về trung và dài hạn. Việt Nam cần thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn, không áp dụng làm theo quy trình, cấm theo quy định. Hiện nay, chúng ta vẫn đang quản lý theo kiểu cái gì không cấm thì mới được làm mà không phải là được tự do sản xuất kinh doanh. Khi nào làm được điều này, những ngành nghề mới sẽ phát triển được, mô hình kinh doanh mới sẽ ra đời.
Điều này cần sự thay đổi thực sự đột phá, có Nghị quyết của Đảng, Quốc hội để khuyến khích tự do sản xuất kinh doanh thay vì trì trệ mãi không chịu thay đổi, làm lại sợ sai.
Một số điểm nghẽn có thể chỉ ra như việc phân bổ vốn ở Quốc hội cần phải bỏ. Quốc hội không cần phân vốn cho từng dự án, từng ngành, địa phương mà Chính phủ có thể tự quyết định. Quốc hội chỉ đóng vai trò giám sát hiệu quả sử dụng vốn.
Đồng thời, Quốc hội cũng không cần quyết định hình thức đầu tư của từng dự án, kể cả dự án lớn hay dự án nhỏ. Hãy để Chính phủ, Bộ trưởng quyết định.
Chúng ta hãy giao quyền nhiều hơn cho "ông chủ tịch tỉnh, ông Bộ trưởng" trong việc ra quyết định đầu tư. Hiện nay, những dự án được đưa vào danh mục đầu tư công rồi cứ thế mà làm chứ không cần phải quyết định chồng quyết định, thủ tục chồng thủ tục. Muốn làm một dự án phải qua 4 - 5 vòng thủ tục.
Chúng ta cần có cơ chế cho những người năng động, dám nghĩ, dám làm vì mục đích chung. Lấy hiệu quả tổng thể là thước đo đánh giá chứ không phải lấy quy trình làm thước đo, đừng nhìn một dự án thất bại rồi kiểm điểm. Hay làm theo quyết định, tiến theo quy trình dẫn đến họ sẽ chọn phương án dễ nhất cho người ta thực hiện. Kết cục đầu tư công chậm chễ vẫn là căn bệnh nan y không có thuốc chữa.
Trong bối cảnh hiện nay, DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết đâu là những giải pháp cần làm lúc này để cứu nguy cho doanh nghiệp?
- Tôi cho rằng những chính sách giãn, hoãn nộp thuế cần được gia hạn tiếp. Đồng thời bổ sung các gói hỗ trợ cần thiết. Chuyển sang quản lý bằng cách thức sáng tạo, chứ không phải theo quy định - đó là cách rất cũ.
Tôi xin nhắc lại bây giờ chúng ta đang ở trong tình hình mới, vì vậy đừng đặt ra điều kiện, quy định để rồi chính những chính sách hỗ trợ đưa ra lại không được hiện thực trên thực tế.
Ví dụ, hỗ trợ DN mà cứ bắt họ phải chứng minh cái này cái kia mới nhận được hỗ trợ thì có lẽ qua nhiều tháng sau khi họ phá sản, lao động mất việc làm rồi cũng chưa được cứu. Như vậy là đi ngược lại mục tiêu ban đầu.
Về phần quan điểm cá nhân, tôi cho rằng mục tiêu quan trọng nhất là phải hỗ trợ DN sinh tồn, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Trong trường hợp phải lựa chọn hỗ trợ cho DN nhỏ hay DN lớn, quan điểm của tôi là nên hỗ trợ DN lớn vì DN lớn mà thất bại thì khó quay trở lại thị trường, nhiều người bị ảnh hưởng.
Việc tung ra các gói cứu trợ cho DN, người lao động lúc này là rất cần thiết. Tuy nhiên thẳng thắn mà nói nguồn lực của Nhà nước cũng có hạn. Vậy chúng ta có cách gì để thực hiện được mục tiêu này không thưa ông?
Đúng là nguồn lực bao giờ cũng có hạn. Vì vậy chúng ta phải tính lại kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Hiện, thu ngân sách vẫn đang tính trên mức tăng trưởng GDP 6,8%, giờ có khả năng GDP không thể đạt được. Trong khi đó chi tăng lên, bội chi ngân sách gia tăng thêm. Vì vậy, rõ ràng chúng ta cũng phải cân đối lại mức tăng trưởng, thay đổi chỉ tiêu bội chi ngân sách, trần nợ công. Đây là những việc cần làm ngay từ bây giờ để xác định được trọng tâm hỗ trợ trong thời gian tới.
Xin cám ơn ông!
Lê Thúy