Đây là nhận định của Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại buổi toạ đàm “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” được tổ chức sáng nay (6/2).
Các chuyên gia VERP nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam khó đạt 6% |
Du lịch, nông nghiệp thành "vùng trũng"
Các chuyên gia đánh giá dịch bệnh virus corona vừa mới xảy ra nhưng diễn biến phức tạp và không dự báo được hệ quả tiếp tục như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Về mặt nguyên lý, tác động của dịch virus corona sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc - Việt Nam trên cơ sở đó lan ra quan hệ kinh tế với các nước khác. Cùng với đó, gây sự xáo trộn nền kinh tế nội địa Việt Nam, tạo ra chi phí lớn hơn trong quá trình sản xuất và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích đã đưa ra danh mục hàng chục ngành bị ảnh hưởng, trong đó nặng nề nhất là du lịch, kho bãi vận chuyển, bán lẻ, năng lượng nguyên liệu, nông nghiệp...
Theo Ts. Nguyễn Đức Thành, Việt Nam là một trong những quốc gia đón lượng khách du lịch Trung Quốc hàng năm rất lớn, du khách Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, tính trong năm 2019 có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Các chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị ngừng trệ không chỉ gây tổn thương lớn cho ngành hàng không mà còn làm “tê liệt’ lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.
Việc du khách Trung Quốc giảm mạnh không chỉ có nguy cơ phá vỡ mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế của ngành du lịch, mà còn tác động sâu sắc đến doanh thu ngành du lịch cũng như đóng góp của ngành vào GDP quốc gia.
Chia sẻ thêm về những tác động do dịch virus corona, Ts. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng không chỉ ngành du lịch suy yếu bởi dịch, mà ngành nông nghiệp đang đối diện với khó chồng khó.
"Những ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 chưa được xử lý xong và vẫn còn kéo dài sang năm nay. Cùng với việc ngành nông nghiệp tiếp tục đương đầu với hạn hán sông Mekông, thì dịch virus corona bùng phát khiến ngành nông nghiệp khó khăn càng chồng khó khăn và không thể lạc quan về nông nghiệp trong năm nay nay được", ông Sơn nói.
Thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ
Từ những ảnh hưởng rộng lớn trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, các chuyên gia dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay khó đạt được mục tiêu 6,8%.
Ts. Đặng Kim Sơn nhận xét: "Tôi nghĩ tăng trưởng GDP quý I sẽ không thể đạt được mức dự báo ban đầu".
Về dài hạn, ông Thành cho rằng, trước khi dịch nổ ra ở Trung Quốc và lan sang Việt Nam, dự báo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 6,8%. Tuy nhiên, VERP đã dự báo mức này khó đạt được và chỉ ở mức 6,4%.
"Hiện nay, bệnh dịch nổ ra thì chúng tôi điều chỉnh mức dự báo có thể không đạt được mức 6% trong năm nay", ông Thành nói.
Cụ thể, trong nhiều kịch bản mà VERP đưa ra cho ngành du lịch, ông Thành dự báo mức suy giảm của ngành du lịch là 0,4 điểm phần trăm. "Do đó, riêng ảnh hưởng tiêu cực của ngành du lịch khiến GDP giảm còn khoảng 6%, chưa kể chúng tôi chưa tính toán toán đến ngành nông nghiệp, khoáng sản, nguyên liệu... những xáo trộn khác của nền kinh tế, nên chúng tôi tính toán tăng trưởng khó đạt mức 6%", ông Thành cho hay.
Đưa ra các giải pháp giảm thiểu sự tác động của dịch corona đối với tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng, trước hết để giảm thiểu dịch bệnh cần khoanh vùng, giảm không cho dịch lây lan, phải dùng các biện pháp càng mạnh càng tốt bởi chi phí của dịch sẽ tăng theo cấp số nhân với dịch. Các chuyên gia cũng đánh giá thời gian qua Chính phủ đã và đang triển khai rất quyết liệt ngăn chặn dịch.
Về giải pháp kinh tế thì cần lường trước những ngành bị suy giảm về tăng trưởng sản lượng, đây là rủi ro thị trường bất khả kháng, nên người bị rủi ro phải chấp nhận và tự đưa ra biện pháp giải quyết rủi ro cho mình như chuyển đổi thị trường, phương thức sản xuất. Tiếp theo đó mới đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thành khuyến cáo, Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng chảy sang các ngành khác như bất động sản sẽ dễ gây ra bong bóng thị trường hoặc hỗ trợ kém hiệu quả.
Thay vì vội vàng trong việc sử dụng các công cụ tài chính, vĩ mô; các cơ quan chức năng nên tập trung vào các biện pháp hỗ trợ vi mô trong nội bộ ngành, thị trường nhất định để hỗ trợ, khơi thông trong tổ chức ngành, giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới mang tính kỹ thuật và đặc thù của ngành. Các giải pháp vĩ mô mới mang tính hiệu quả hơn cả trong bối cảnh ngành bị tổn thương vì rủi ro nhất định.
Còn ở cấp độ ngành cần tuỳ theo từng ngành có những biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, các doanh nghiệp nhỏ lẻ, tiến tới là các doanh nghiệp lớn hơn.
"Theo kịch bản của Bộ KH&ĐT, nếu dịch viêm phổi được khống chế dịch trong quý I thì tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 6,27%. Còn nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II, tăng trưởng kinh tế là 6,09%. Như vậy, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 6,8%. Vì thế Thủ tướng yêu cầu phải có giải pháp bù đắp tăng trưởng. Hiện, Chính phủ không đặt vấn đề điều chỉnh hay hạ các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 tổ chức ngày 5/2. |
Thanh Hoa