Trước diễn biến ngày càng tiêu cực từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra, mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với nCoV. Dịch bệnh Corona có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam hay không? Câu trả lời của chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là cần có những thông tin chính xác hơn về khả năng dập dịch của Trung Quốc.
Xuất khẩu và du lịch tức thời ảnh hưởng
Đánh giá về tác động của dịch Corona đối với kinh tế Việt Nam, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trước hết dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới du lịch, mà cụ thể là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
WHO đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nên khách du lịch, không chỉ khách Trung Quốc, mà từ các nước khác cũng sẽ ít đi lại hơn. Ngay cả khách nội địa Việt Nam cũng sẽ hạn chế đi lại những chỗ đông người như lễ hội. Điều này sẽ ảnh hưởng tới du lịch cũng như khách sạn, nhà hàng…
Đối với xuất nhập khẩu, thông tin có một số cửa khẩu đã đóng cửa, điều này nông sản xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
“Cơ bản là có hai lĩnh vực lớn nói trên sẽ bị ảnh hưởng do dịch Corona. Còn những lĩnh vực kinh tế lớn khác thì không ảnh hưởng”, ông Lâm nói.
Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng mặc dù dịch mới diễn ra và chúng ta chưa có số liệu chính thức nhưng du lịch và xuất nhập khẩu đã thấy tác động đầu tiên.
Du lịch bị tác động mạnh và các ngành liên quan khác chắc chắn cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Xuất khẩu, nhập khẩu đương nhiên cũng bị ảnh hưởng trong bối cảnh chúng ta xuất khẩu nông sản và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp.
“Đơn cử như thanh long đang 37.000 đồng/kg, đến nay tụt giá còn 5.000 đồng/kg. Như vậy có thể thấy rằng, Corona sẽ ảnh hưởng một cách toàn diện. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt thì ngay cả đầu tư cũng bị tác động”, ông Thiên nhấn mạnh.
Ts. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng nhận định rằng Việt Nam có nhiều ngành hàng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nên mọi diễn biến của dịch Corona sẽ tác động không nhỏ. Đặc biệt là nông sản, như trái cây thanh long, chỉ có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên sẽ có ảnh hưởng lớn nhất.
“Nếu dịch Corona kéo dài đến hết quý I/2020 thì chắc chắn tác động tới kinh tế không lớn”, Ts. Nguyễn Đình Cung nhận định.
Hàng hoá đang chờ thông quan tại cửa khẩu (Ảnh: Internet) |
Không tác động đến GDP
Tuy nhiên, theo Ts. Nguyễn Đình Cung, mặc dù dịch bệnh Corona có tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam, nhưng cần phải chờ đợi xem đến khi nào thì dịch bệnh này kết thúc. Nếu dịch bệnh kéo dài vài tháng thì ảnh hưởng không đáng kể. Còn nếu dài hơn thì ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, ở góc độ đầu tư, tâm lý các nhà đầu tư không ảnh hưởng, các hiệp định thương mại không ảnh hưởng. Bởi các dự án đầu tư đều là trung hạn và dài hạn. Các dự án này đã phải tính toán tất cả. Nên chỉ ảnh hưởng ngắn hạn đối với tình hình kinh tế các nước.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, những rủi ro mà kinh tế Việt Nam nói chung và các ngành hàng Việt Nam nói riêng đang gặp phải thông qua biến cố dịch Corona cho thấy, Việt Nam cần có tầm nhìn và biện pháp để xoay chuyển, thay đổi cơ cấu kinh tế, thị trường và nâng cấp sản phẩm. Đương nhiên, khi sản phẩm cao cấp hơn thì cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro đẳng cấp hơn nhưng không phải rủi ro như chúng ta đang thấy.
“Dù cách nào thì cũng phải lo chống dịch đã. Đó là cách xử lý tức thời.Còn về lâu dài, chúng ta phải có cách tiếp cận khác dựa trên những rủi ro như thế này để xoay chuyển tình trạng lệ thuộc thị trường”, ông Thiên nhấn mạnh.
Bàn về việc Việt Nam cần làm gì để đối phó với dịch Corona, Ts. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho hay hiện nay chúng ta chỉ biết Corona sẽ ảnh hưởng tới kinh tế, nhất là đối với du lịch, xuất nhập khẩu. Có điều, chúng ta chưa biết những quyết sách của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EU…
Khả năng dập dịch của Trung Quốc là một bài toán lớn mà ít người biết được. Ngay cả thông báo của WHO cũng thay đổi theo thời gian cũng là điều chúng ta cân nhắc.
Với Việt Nam, trước mắt chúng ta phải xử lý những vấn đề liên quan đến du lịch và xuất nhập khẩu. Bởi rõ ràng chỉ tính riêng tháng 1/2020, trong tổng số gần 2 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì khách Trung Quốc đã chiếm tới trên 644.000 lượt người. Xuất khẩu nông sản đã nhìn thấy ảnh hưởng khi các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đã đóng lại.
Liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020, PGS.TS. Trần Đình Thiên chia sẻ, các chỉ tiêu thì đặt ra bây giờ cũng hơi sớm nhưng cũng không nên quá muộn. Bởi các chỉ tiêu này ảnh hưởng tới các cân đối lớn của nền kinh tế, đến huy động và sử dụng nguồn lực. Dĩ nhiên cũng không nên “làm quá” gây ra tâm lý bi quan.
Còn ông Nguyễn Bích Lâm đánh giá, chúng ta chưa biết dịch bệnh Corona sẽ kéo dài bao lâu nhưng hai lĩnh vực du lịch và xuất khẩu nông sản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu GDP. Tăng trưởng quý I/2020 có thể bị ảnh hưởng nhưng không lớn. Tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam nằm ở những vấn đề khác, không phụ thuộc quá lớn vào du lịch hay xuất khẩu nông sản.
Minh Sơn