Tại buổi họp báo trực tuyến ra mắt báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề “Việt Nam Số hóa - Con đường đến tương lai” do WB tổ chức chiều 24/8, chuyên gia kinh tế cao cấp WB Dorsati Madani cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên hiện tại, đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, một phần do tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 4,8%, thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 6% của Chính phủ trong năm 2021. |
Kể từ đầu tháng 5/2021, các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ngày càng bị bó buộc bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm chế virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Đến giữa tháng 7/2021, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, các tỉnh phía Nam, TP. Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các đối thủ có tốc độ tiêm vắc xin vượt trội, đang tái khởi động hoạt động sản xuất và có khả năng chiếm lại một số thị phần bị mất vào tay Việt Nam do đứt gãy sản xuất vì dịch Covid-19 năm 2020.
Chẳng hạn, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đi ngang phần nào gây ngac nhiên ở chỗ với năng lực cạnh tranh trên các thị trường quốc tế, Việt Nam lẽ ra phải tận dụng được sự hồi sinh của nhu cầu toàn cầu. Một hướng để lý giải là tăng trưởng đi ngang phản ánh các yếu tố mùa vụ. Một hướng lý giải khác là khi các quốc gia khác quay lại tham gia thị trường xuất khẩu, họ cạnh tranh với sản phẩm của Việt Nam và giành lại một số thị phần trước Covid-19.
Đợt dịch bùng phát từ tháng 4 dường như cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử vì các biện pháp về y tế và hạn chế đi lại nhằm ngăn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đã làm gián đoạn hoạt động ở các nhà máy tại Bắc Giang và Bắc Ninh, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng một số sản phẩm điện tử.
Đối với thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do nhiều địa phương áp dụng biện pháp phong toả, giãn cách xã hội. Người lao động hoặc doanh nghiệp trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng ít được tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội. Ngoài ra, như ở nhiều quốc gia khác, khủng hoảng có tác động thiên vị giới ở Việt Nam do nữ giới thường phải gánh trách nhiệm chăm sóc trẻ em nhiều hơn, và đại dịch Covid-19 càng làm tăng áp lực về thời gian cho nữ giới, nhất là khi trường học bị đóng cửa, như cách đây hai tháng tại Hà Nội. Các nhóm càng nghèo thì càng dễ bị tổn thương vì họ tiết kiệm ít hơn và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế hơn.
Bà Dorsati Madani nhấn mạnh: "Chính vì thế, nền kinh tế có thể bị mất đi cả động lực tăng trưởng trong nước và động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế đối ngoại, nếu không nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch đang diễn ra".
Thực tế, thời gian qua Chính phủ đã ứng phó bằng cách tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và ban hành gói hỗ trợ tài khóa mới vào đầu tháng 7/2021 ở mức khoảng 1 tỷ USD. Tốc độ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin diện rộng cũng đã được đẩy nhanh.
Dẫu vậy, các chuyên gia WB vẫn đưa ra những dự báo tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Dựa trên giả định rằng, đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV/2021. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin diện rộng, ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới.
Bên cạnh đó, chính sách tài khoá và tiền tệ vẫn tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi năm 2021. Khi nền kinh tế thoát khỏi đợt dịch lần thứ tư, chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tổng cầu trong nước thông qua các biện pháp có lựa chọn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Gói hỗ trợ doanh nghiệp và các hộ gia đình lần hai chỉ ở mức khiêm tốn, nhưng nếu triển khai sẽ tương đương khoảng 0,5% GDP. Các cấp có thẩm quyền cũng cần mở rộng hỗ trợ tài chính thông qua kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trợ giá, như đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7/2021.
Cùng với đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh vẫn trong phạm vi ngân sách. Chính sách tiền tệ vẫn tạo thuận lợi để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Lạm phán vẫn ở mức vừa phải.
Đối với khu vực kinh tế đối ngoại, bà Dorsati Madani cho biết, dự báo trên giả định rằng, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn ra sẽ đảm bảo duy trì nhu cầu cao đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực.
Vì vậy, WB đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi.
Mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng WB nhận định, các cấp có thẩm quyền cần xử lý những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội, bao gồm: Xử lý những hệ quả xã hội của đại dịch, cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng và cảnh giác với rủi ro tài khóa.
Thanh Hoa