Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội.
Thưa bà, trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, có ý kiến cho rằng đến lúc này phải nhận thức về mục tiêu kép theo hướng đổi mới hoàn toàn. Đó là, trước đây, mục tiêu kép là đồng thời cả hai việc vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch, nhưng bây giờ không thể có được. Trong hoàn cảnh như ở TPHCM bây giờ chỉ ưu tiên chống dịch hay ưu tiên phát triển kinh tế. Vậy, quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
-Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 được đưa ra từ năm 2020 khi dịch bệnh đã được khống chế cơ bản. Tuy nhiên, năm 2021, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 hết sức nguy hiểm, đang gây khó khăn cho không chỉ Việt Nam mà là trên toàn thế giới.
Theo tôi, mục tiêu tăng trưởng hiện nay nên nhìn trong mối quan hệ tổng hòa. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tăng trưởng theo cách của họ, nhưng chúng ta cần nhìn vào thực tế để có nhận định đúng nhất, không ai hiểu chúng ta nhất bằng chính chúng ta.
Duy trì tăng trưởng cần hai vấn đề là duy trì sinh sống và sinh kế của người dân, chứ không thể tăng trưởng chỉ xuất khẩu. Về kinh tế thì cũng phải là những vấn đề thiết yếu nhất là lo cho nhân dân có đời sống ổn định như lương thực, thực phẩm, thuốc men.
Dù Chính phủ năm nay không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí 6% hoặc bao nhiêu phần trăm đi nữa, người dân cũng chấp nhận nếu biện pháp phòng chống COVID-19 được thực hiện tốt, tiêm được vắc xin và bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân. Quan trọng nhất là giữ được sinh kế cho người dân, nhất là người nghèo.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao và liên tục có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao vào năm 2030 và tiến tới là nước phát triển vào năm 2045. Đây cũng được xem là thước đo thành công của nhiệm kỳ Chính phủ? Bà nghĩ sao về vấn đề này?
-Như tôi đã nói, bối cảnh năm nay rất khác, dịch có những diễn biến rất phức tạp, biến chủng mới nguy hiểm hơn rất nhiều và thế giới vẫn trong những khó khăn cũ của dịch bệnh gây ra. Đánh giá một nhiệm kỳ của Thủ tướng, của Chính phủ cần đánh giá nhiệm kỳ dài hơi và có công bằng, chứ không phải giai đoạn ngắn, một năm đầy sóng gió như năm nay.
Tôi cho rằng, thước đo lớn nhất hiện nay là nỗ lực giữ được tính mạng của người dân và chống được dịch thành công. Lúc này, rất khó có thể nói trước được tăng trưởng bao nhiêu phần trăm một năm là vừa.
Tăng trưởng cao để tạo nền tảng cho tương lai..., đây là điều ai cũng muốn, cũng thấy, biết là cần nhưng thực tế không cho phép như vậy. Nếu dịch bệnh gia tăng, không có cách nào để phát triển được.
Khắc phục tốt nhất đối với dịch bệnh hiện nay là tiêm vắc xin, Chính phủ đang nỗ lực tìm mọi cách để mua vắc xin và tiêm 120 triệu liều cho người dân, đó đã là thành công rồi. Có thể năm 2022 mới có thể cho cơ hội để Việt Nam hồi phục phát triển, các đầu tàu kinh tế như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.Hà Nội nếu không thoát khỏi được dịch bệnh, không hồi phục được sớm thì làm sao chúng ta có tăng trưởng cao được?
Chính việc phòng chống dịch trong cả ngắn, trung và dài hạn là biện pháp căn cơ phục vụ cho cả y tế và kinh tế về lâu dài. Không một nền kinh tế nào phát triển được nếu dịch bệnh vẫn hoành hành.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có nguy cơ chậm hơn trong việc tận dụng các thị trường hồi phục sớm để đẩy mạnh xuất khẩu như Mỹ, EU, Trung Quốc... Do vậy, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho những người làm trong doanh nghiệp, người làm về dịch vụ vận chuyển rất quan trọng để duy trì chuỗi sản xuất.
-Nếu nhìn xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 thì với những thị trường trọng điểm, chúng ta vẫn đạt quan hệ thương mại khá tốt, không đến nỗi nào. Các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, thương mại của Việt Nam vẫn tăng trưởng, dù có chậm hơn trước, sụt giảm gần đây khi dịch COVID-19 bùng phát tại các khu công nghiệp, nhưng đó cũng là dễ hiểu.
Trong nhóm 16 đối tượng được ưu tiên tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam có công nhân và người tham gia lĩnh vực vận tải. Ban đầu, Bắc Giang, Bắc Ninh các khu công nghiệp bùng phát dịch bệnh, chúng ta cũng đưa vắc xin về đó nhiều nhất, rồi gần đây là TP.HCM, rồi một số tỉnh phía Nam, chúng ta cũng đang ưu tiên tiêm chủng phần lớn công nhân, người làm trực tiếp sản xuất.
Hiện nay, vắc xin còn quá ít, lượng vắc xin về chậm và tổ chức tiêm vắc xin còn có vấn đề, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực của hệ thống y tế và Chính phủ được, và chúng ta cần giải quyết được vấn đề yếu kém này tốt hơn.
Đối với tận dụng thị trường, tôi cho rằng chúng ta chưa tận dụng được nhiều chứ không phải bỏ qua cơ hội. Ví dụ như từ năm 2020 đến nay nói rất nhiều từ việc tranh thủ thời cơ dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng, sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam, rồi cải cách thủ tục hành chính... từ đó tận dụng cơ hội xuất khẩu sang EU, Nhật, Mỹ do chúng ta có nhiều FTA thế hệ mới.
Rõ ràng vấn đề cải cách thể chế cũng rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, thưa bà?
-Tôi cho rằng vấn đề cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh phải làm liên tục, không thể vì dịch COVID-19 mà đứt đoạn hoặc lợi dụng dịch COVID-19 để đình hoãn, sợ hãi được. Không cải thiện môi trường kinh doanh có thể gây tổn hại nền kinh tế trong dài hạn, thiệt hại lớn hơn so với dịch COVID-19.
Cải cách môi trường kinh doanh hiện nay không cần vắc xin, các cơ quan nhà nước đừng ỷ lại vào vấn đề này để bao biện cho chính mình. Thời gian xóa bỏ hàng rào thuế quan cho hàng nhập khẩu từ nước ngoài ngày một gần, yêu cầu thể chế minh bạch ngày càng lớn, không có chỗ cho bao biện.
Không họp trực tiếp, không hỗ trợ trực tiếp thì có thể thực hiện trên internet, môi trường mạng càng minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn so với làm việc trực tiếp. Chúng ta thấy rõ hiệu quả lớn từ bán hàng trên sàn thương mại điện tử, trên Facebook, các kênh trực tuyến đối với vụ vải của Bắc Giang vừa qua, đây là minh chứng rõ nét nhất.
Mặt khác, việc công khai minh bạch cũng rất quan trọng. Ví dụ, qua câu chuyện trên mạng xã hội lan truyền clip tranh cãi giữa Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang (đại diện chốt kiểm soát dịch bệnh) với nam thanh niên (công nhân làm thuê) đi mua bánh mì để ăn, chuẩn bị làm việc tăng ca. Trong quá trình tranh cãi, nam thanh niên bị thu giữ giấy tờ và xe máy vì Phó chủ tịch phường cho rằng bánh mì không phải hàng thiết yếu. Sau khi dư luận lên tiếng phản đối hành vi của Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang đã yêu cầu khẩn trương trả lại xe cho thanh niên nói trên...
Những vấn đề này được giải quyết nếu chúng ta công khai các thông tin của cơ quan chức năng, bộ, ngành, địa phương trên mạng xã hội, trên các nền tảng trực tuyến và tôi cho rằng chính quyền, người quản lý ở Việt Nam cần quen dần với việc công khai trên mạng xã hội để phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn và điều hành.
Nhật Linh (thực hiện)