Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay vẫn tăng mạnh. Như thông tin gần đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), riêng trong quý I/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 5,8 tỷ USD, bằng 75,2% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 59,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong quý I.
Tăng hạng Chỉ số An toàn
Một tín hiệu lạc quan, tăng thêm sức hút các nhà đầu tư ngoại đối với môi trường đầu tư là Việt Nam mới đây đã tăng vọt lên 11 bậc trong xếp hạng an toàn quốc gia của Chỉ số An toàn UL Safety Index được công bố tại Tp.HCM ngày 18/4. Từ vị trí 87 hồi năm 2017, Việt Nam đã vươn lên thứ 76 trên thế giới và xếp thứ 5 ở Đông Nam Á về Chỉ số An toàn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông David Wroth, Giám đốc Chiến lược và Vận hành của Tập đoàn UL (Mỹ), cho biết với một nền kinh tế tăng trưởng tốt và mức độ an toàn của Việt Nam đang tăng lên sẽ giúp thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư FDI trong thời gian tới. Một không gian an toàn phải được ưu tiên hàng đầu nếu Việt Nam muốn phát triển kinh tế và tăng thu hút dòng vốn FDI trong tương lai.
Theo ông David Wroth, Việt Nam đang dần trở thành quốc gia an toàn hơn so với nhiều nước khác. Việc tăng chỉ số an toàn của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố thể chế (như kinh tế và giáo dục), các chuẩn mực về an toàn và các kết quả an toàn. Và khi muốn rót vốn vào Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham khảo về chỉ số này (cộng thêm nhiều thông tin khác) để quyết định có nên đầu tư hay không.
Còn theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng GTVT Tp.HCM: “Nếu như một nhà đầu tư muốn đến Việt Nam thì phải xem mức độ an toàn như thế nào (một trong những dữ liệu họ tham khảo). Cho nên việc tăng Chỉ số An toàn với Việt Nam là rất quan trọng, trong đó có liên quan đến vấn đề GTVT. Và khi Việt Nam càng cải thiện chính sách để tăng độ an toàn thì nhà đầu tư càng đến nhiều hơn”.
Riêng với vấn đề vận tải, để tăng thu hút vốn FDI, ông Tuấn cho rằng cần phải cải thiện rất nhiều để kéo giảm chi phí logistics có thể ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực nhằm có thể tăng sức cạnh tranh. Vấn đề kho vận, mỗi năm Việt Nam đều có cải tiến, so với trước đây có cải thiện tốt nhưng tương lai cần cải tiến nhiều hơn nữa, chứ không kỳ vọng trong một sớm một chiều hoàn thiện hết hạ tầng GTVT đảm bảo theo yêu cầu như các quốc gia phát triển.
FDI là phương thức quan trọng để chuyển giao công nghệ cho DN trong nước |
Chiến lược hút FDI thế hệ mới
Ở một diễn biến khác, mới đây, Bộ KH&ĐT và Nhóm Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp xây dựng Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018-2030.
Mục tiêu của chiến lược này là nhằm xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thu hút FDI giai đoạn 2018-2030, đồng thời rà soát khung chính sách FDI và kiến nghị các giải pháp, chính sách cụ thể giúp Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI vào những lĩnh vực ưu tiên.
Bản dự thảo 2 mới được Bộ KH&ĐT và WB công bố trong tháng 4 nhấn mạnh chiến lược này là lộ trình để Việt Nam thu hút FDI “thế hệ tiếp mới”, nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sâu rộng trong giai đoạn 2018 – 2030.
Nhóm hoạch định chính sách cho biết điểm nhấn chính của “Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới” là sự chuyển dịch trọng tâm từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho “sản phẩm” của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai, nhờ đó có thể tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của FDI.
Các chuyên gia cũng chỉ rõ trong các xu hướng lớn toàn cầu có ảnh hưởng đến FDI trong 12 năm tới, cách mạng công nghiệp 4.0 là trào lưu có tính thách thức và đột phá nhất. Mặt khác, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có khả năng thúc đẩy tăng trưởng GDP và giúp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các “đối thủ” (trong đó có Trung Quốc).
Ngoài ra, để thu hút đầu tư đòi hỏi tiếp tục mở cửa lĩnh vực logistics. Hơn nữa, việc gia công quy trình doanh nghiệp (DN), vận tải, dịch vụ tài chính, khách sạn – nhà hàng và các ngành khác sẽ chịu ảnh hưởng của các công nghệ đột phá.
Chưa hết, việc đầu tư “thế hệ mới” sẽ ngày càng tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động sử dụng nhiều công nghệ, kỹ năng và tối đa hóa giá trị gia tăng.
Đối với thu hút dòng vốn FDI “thế hệ một” vẫn sẽ cần thiết để lấp đầy những lỗ hổng cơ bản trong chuỗi cung ứng trong nước, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành, nhưng sẽ làm nền cho tăng trưởng đầu tư FDI “thế hệ mới”.
Như lưu ý của WB, FDI cùng với thương mại quốc tế là một trong những phương thức quan trọng nhất để chuyển giao công nghệ và kiến thức quốc tế cho các DN trong nước.
Các DN đa quốc gia cung cấp công nghệ và kiến thức của mình cho các đơn vị thành viên ở nước chủ nhà, tạo điều kiện cho họ cạnh tranh thành công với các DN trong nước.
Tác động lan tỏa từ các đơn vị thành viên nước ngoài thuộc các DN đa quốc gia có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước chủ nhà – qua đó tăng cường nguồn nhân lực và năng suất cho các DN trong nước.
Tác động lan tỏa đó thường diễn ra qua các kết nối theo chiều ngược và xuôi giữa các DN trong nước và nước ngoài trong chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các bằng chứng cho thấy những kết nối như vậy vẫn chưa phát triển do nhiều hạn chế cả từ phía cung và phía cầu, do chất lượng, khả năng tiếp cận tài chính và kỹ năng.
Thế Vinh
Gs.TsKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Cách mạng công nghiệp 4.0 có sức ảnh hưởng to lớn, chúng ta cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… Mặt khác, cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu về công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM Một trong những lý do chính để đa phần nhà đầu tư Nhật “mở rộng hoạt động” tại Việt Nam chính là doanh thu của họ tăng và tính tăng trưởng, tiềm năng cao tại thị trường Việt Nam. Ít thấy các DN Nhật đầu tư vào Việt Nam nhằm mục đích là được hưởng lợi ích từ mức thuế thu nhập DN thấp, mà họ thường nhằm vào những lợi thế khác. Tuy nhiên, việc “đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực” là vấn đề mà Việt Nam cần lưu tâm. Ông Anthony Tan - Phó chủ tịch UL ASEAN Sự tăng trưởng kinh tế mạnh cũng như các cải cách về thể chế, về môi trường kinh doanh đã tiếp tục giúp Việt Nam tăng hạng trong Chỉ số An toàn. Chúng tôi mong muốn có tiến bộ liên tục về kết quả an toàn ở Việt Nam nhằm có thể thu hút nhiều hơn và hiệu quả hơn dòng vốn FDI trong tương lai. |