Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) mặt hàng giày dép đạt 14,6 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2016.
Thống kê cho thấy XK ngành hàng giày dép liên tục tăng trưởng trong 5 năm gần đây. Năm 2013, kim ngạch đạt 8,4 tỷ USD năm 2014 tăng lên 10,3 tỷ USD, năm 2015 đạt 12 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 13 tỷ USD vào năm 2016.
Khối nội mờ nhạt
Giày dép không chỉ là nhóm hàng mũi nhọn, mà còn giúp Việt Nam vững vàng ở vị trí XK lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc).
Năm 2017 ghi nhận Việt Nam XK 1,02 tỷ đôi giày dép các loại trong tổng số hơn 27 tỷ đôi giày dép XK trên toàn thế giới, chiếm 7,4% thị phần ngành hàng này. Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ hai trên thế giới về XK giày dép (từ năm 2015).
Số doanh nghiệp (DN) cũng tăng mạnh: Năm 2017 có 863 DN tham gia sản xuất XK giày dép các loại, tăng 15% so với năm 2016 (751 DN). Trước đó, năm 2015 chỉ có 617 DN, năm 2014 là 467 DN.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), nhận định ngành da giày Việt Nam vẫn rộng cửa phát triển trong khoảng 20 năm tới. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và thực thi; trong đó có những FTA với các thị trường XK lớn như EU, Nhật, Nga, ASEAN…, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Chiến lược Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), đánh giá khả năng phát triển của ngành da giày Việt Nam sẽ còn rộng mở hơn nhờ hiệu ứng của FTA Việt Nam – EU (EVFTA).
Ngoài các thị trường XK truyền thống như Mỹ và EU, DN Việt Nam cũng nên tập trung khai thác thị trường châu Á vì đây là khu vực tiêu dùng hơn 50% số sản phẩm giày dép của toàn thế giới.
Theo bà Đoàn Thị Thu Hà, Tổng Giám đốc công ty Thành Hưng, CPTPP mở ra cơ hội để các DN da giày Việt Nam tiếp cận một số thị trường mới như Canada, Mexico, Peru, trong bối cảnh DN Việt Nam hiện vẫn tập trung khai thác các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Cơ hội thời gian tới rất lớn, nhưng ngành XK giày dép cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó lớn nhất là thị phần kim ngạch ngày càng rơi vào tay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu như năm 2013, tỷ trọng kim ngạch của DN FDI mới là 76,5% thì đến năm 2017 đã tăng lên đến 80,4%.
Lý giải nguyên nhân, ông Kiệt cho biết DN Việt ít vốn nên hoạt động trong lĩnh vực gia công, còn những lĩnh vực đầu tư dạng chuỗi tự sản xuất nguyên phụ liệu, có công nghệ phụ trợ thuộc về DN lớn hoặc FDI.
Một đôi giày bán tại EU có giá 100 Euro, Việt Nam chỉ thu được 2 Euro |
Phải thoát làm gia công
Việt Nam ở cạnh Trung Quốc – quốc gia hàng đầu về sản xuất và XK giày dép. Khi chi phí nhân công của Trung Quốc cao, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang các nước lân cận để tiết kiệm chi phí mà vẫn thuận lợi trong tìm kiếm nguyên liệu. Việt Nam là điểm đến thay thế trong bài toán này. Do vậy, khối ngoại đang chi phối kim ngạch XK giày dép là điều khó tránh khỏi.
Ts. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng điểm yếu nhất của ngành da giày Việt Nam là ở khâu nguyên liệu và thiết kế. Hiện, các DN Việt mới chỉ tự chủ được phần nguyên liệu đế giày, chỉ khâu và vải cho sản xuất loại giày vải cấp thấp, còn lại phải nhập khẩu hầu hết máy móc và nguyên liệu quan trọng nhất để phục vụ sản xuất trong ngành như vải cao cấp, da nhân tạo và mỗi năm nhập khẩu từ 1,1 đến 1,5 tỷ USD da thuộc.
Thực tế, DN Việt Nam đa số là DN nhỏ, chủ yếu làm thủ công. Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương), chia sẻ: đối với những DN chuyên sản xuất giày vải, mức độ thủ công lên đến 80%. Giá gia công không tăng trong khi năng suất lao động không thay đổi đang là gánh nặng của các DN chủ yếu làm gia công.
Cùng với đó, ngành giày dép đang phải đối mặt thách thức là các nhà sản xuất da giày lớn cũng có xu hướng tự sản xuất tại các nước sở tại để tiết kiệm được thời gian vận chuyển và dễ kiểm soát, yêu cầu về thời gian giao hàng cũng ngày càng ngắn hơn. Nếu trước đây, các nhà nhập khẩu thường yêu cầu thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc giao hàng khoảng 90 ngày, nay rút ngắn còn 60 ngày.
Ngay trong năm 2018, nhiều DN chia sẻ sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân là do một số thị trường mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar, Bangladesh… có chi phí sản xuất thấp hơn, nhân công rẻ hơn và thuế cũng thấp hơn. Nhiều thương hiệu giày da lớn trên thế giới đang có xu hướng dịch chuyển đơn đặt hàng sang các thị trường mới nổi này.
Vì vậy, ông Thành cho rằng bản thân DN Việt cần phải tự vươn lên, vì trong hội nhập không thể có quá nhiều ưu đãi cho DN trong nước. Chưa kể một số DN trong nước vẫn còn tư tưởng ăn xổi, chưa đầu tư mạnh cho hoạt động sản xuất.
Đại diện Lefaso khuyến nghị: để cạnh tranh tốt, các DN cần đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị gia tăng và chủ động sản xuất cho các DN. Bên cạnh đó, nên hạn chế sản xuất sản phẩm cấp thấp, tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị trung bình và cao nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh ở phân khúc này so với các đối thủ.
Theo Ts. Nguyễn Minh Phong, các DN nên hình thành chuỗi liên kết nội địa với các nhà sản xuất, cung ứng nguyên, phụ liệu trong nước, đáp ứng tốt các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa, vệ sinh môi trường, lao động và quy trình công nghệ, không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngành da giày Việt Nam.
Lê Thúy
Ts. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế Một đôi giày bán tại EU có giá 100 Euro, Việt Nam chỉ thu được 2 Euro, trong đó bao gồm tất cả chi phí sản xuất, tiền lương… Thực trạng này không chỉ tồn tại trong ngành da giày mà còn phổ biến trong lĩnh vực dệt may, điện thoại. Ông Lê Kỳ Anh - Chuyên viên Phái đoàn EU tại Việt Nam Ngành da giày cần những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển thị trường trong nước. Bên cạnh đó, hình thành các quy hoạch khu công nghiệp dành riêng cho ngành sản xuất da giày, với hệ thống đồng bộ kết cấu hạ tầng về xử lý ô nhiễm môi trường nước thải trong sản xuất, xây dựng các vùng nguyên, phụ liệu (da nguyên liệu, xơ bông, xơ nhân tạo, hóa chất). Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam Các DN Việt Nam cần cố gắng nhận đơn hàng trực tiếp thay vì nhận qua trung gian từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong như hiện nay. Bên cạnh đó, cần làm chủ chuỗi cung ứng và thoát dần ra khỏi gia công; phát triển sản phẩm, tham gia vào các khâu làm mẫu, thiết kế… |