Dự và phát biểu tại lễ khai mạc Chương trình hợp tác đào tạo tư vấn viên Việt Nam giữa Bộ Công Thương và Samsung sáng 17/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định công nghiệp hỗ trợ hiện là một trong những lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chú trọng phát triển.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm” |
“Chính phủ đã xác định công nghiệp hỗ trợ là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới, trong đó đặc biệt là các ngành điện tử, dệt may, da giầy, thời trang, ô tô…”, Phó Thủ tướng nói.
Mục tiêu của chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025 đáp ứng được 65%.
“Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở coi trọng thị trường trong nước nhưng phải hướng đến thị trường toàn cầu làm mục tiêu phát triển; coi doanh nghiệp (DN) giữ vai trò chủ thể, quyết định sự thành công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung, trong đó có công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực điện, điện tử vẫn còn phát triển khá hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Năng lực cạnh tranh hiện nay của các DN cung ứng linh phụ kiện, phụ tùng của Việt Nam vẫn còn yếu. Số lượng DN đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia (như của Samsung) còn hạn chế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét. Cùng với đó, sự liên kết giữa các DN còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, vừa phân tán nguồn lực, vừa không hiệu quả.
Chính phủ cũng đang tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì rà soát một cách kỹ lưỡng, tổng thể những cơ chế, chính sách hiện có, đề xuất các cơ chế mới để có sự hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhất cho DN.
“Trong hỗ trợ DN, Chính phủ chủ trương nghiên cứu cơ chế lựa chọn ưu tiên để hỗ trợ các DN có tiềm lực, có khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó tạo ra những hạt nhân trong từng ngành công nghiệp hỗ trợ "kéo" theo các DN khác trong ngành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm lựa chọn DN để ưu tiên phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, tạo điều kiện cho các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt của các tập đoàn đa quốc gia lớn, việc đào tạo, nâng cao chất lượng của đội ngũ chuyên gia tư vấn tại Việt Nam là một trong những yếu tố then chốt và quan trọng.
Thy Lê