Trong các nhóm ngành của xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản thì ngành hàng rau quả tính đến trung tuần tháng 12/2024 được ghi nhận về đích sớm trong năm nay và có khả năng sẽ đạt kỷ lục mới là trên 7,3 tỷ USD.
Sớm thích ứng với yêu cầu mới
Đây là điều đáng khích lệ, nhưng để tăng lực đẩy cho kim ngạch XK rau quả tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2025 sắp tới, ngành hàng này còn nhiều việc phải làm trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và xu hướng “xanh hóa” đang lan rộng trên toàn cầu.
Các DN chế biến rau quả XK cần tiên phong thúc đẩy “xanh hóa” chuỗi cung ứng để thích ứng với yêu cầu mới. |
Và để tránh rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc (hiện chiếm tỷ trọng 67% trong số các thị trường XK rau quả của Việt Nam), việc tiếp tục đa dạng hóa thị trường là điều cần làm trong thời gian tới. Đặc biệt là mở rộng vào những thị trường có thu nhập cao nhưng cũng đang có xu hướng “xanh hóa” tiêu dùng lên cao.
Chẳng hạn Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) gần đây đã XK thành công đơn hàng 1 tấn mật hoa dừa hữu cơ đầu tiên sang Lebanon. Để có được đơn hàng như trên là cả quá trình đầy thử thách sau nhiều tháng trao đổi, cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, quy trình sản xuất và các chứng nhận hữu cơ. Đến tháng 10/2024, đối tác Lebanon quyết định đặt thử đơn hàng đầu tiên là 1 tấn mật ong hữu cơ. Và đến gần cuối tháng 11/2024, đơn hàng chính thức được XK.
Sản phẩm hữu cơ này được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường Lebanon, nơi mà nông sản thực phẩm hữu cơ ngày càng được ưa chuộng nhờ xu hướng sống xanh. Để đáp ứng đa dạng thị trường XK, theo ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Sokfarm, hiện tại công ty đang sở hữu vùng nguyên liệu dừa 20ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế.
Có thể thấy xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng quốc tế đang thúc đẩy các nhà chế biến, cung cấp rau quả Việt sớm thích ứng với yêu cầu mới, áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh chuỗi cung ứng. Bởi lẽ, khách hàng, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, ngày càng có ý thức hơn về tác động môi trường trong các quyết định mua hàng.
Qua trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng xu hướng “xanh hóa” tiêu dùng đang lan rộng ở những thị trường có thu nhập cao, nhằm khuyến khích nhà cung cấp bảo vệ môi trường, có quy trình sản xuất xanh, không được phá rừng, không thải ra chất độc hại, trong đó có vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Và điều nhận thấy là sản xuất rau quả của Việt Nam đã dần giảm bớt rất nhiều trong việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật độc hại.
“Bởi vì nếu sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật độc hại chắc chắn rau quả sẽ không thể XK được. Con số XK ngày càng tăng, điều đó nói lên rằng ngành rau quả Việt đang đi vào hướng “xanh hóa”. Người nông dân cũng như doanh nghiệp (DN) biết cách để sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, đáp ứng được nhu cầu của thế giới”, ông Nguyên nói.
Ngoài ra, theo vị Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với ngành hàng rau quả Việt thì hiện tượng phá rừng để trồng cây ăn quả hầu như không có nhiều. Điều này cũng phần nào giảm được áp lực từ Quy định chống phá rừng (EUDR) khi XK rau quả vào EU.
“Chìa khóa” để hành động xanh
Còn theo Ts. Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, “xanh hóa” chính là yếu tố “thắng đơn hàng” khi XK. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua (hay người đứng đầu chuỗi cung ứng - supply chain leaders) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy “xanh hóa”. Họ là những DN dẫn dắt chuỗi cung ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường.
Do vậy, hoạt động XK rau quả trong năm 2025 sắp tới cần lưu ý rõ chuyện này để quá trình “xanh hóa” chuỗi giá trị trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhất là các DN nội địa đứng đầu chuỗi cung ứng rau quả cần tiên phong thúc đẩy “xanh hóa” trong canh tác, chế biến và XK rau quả.
Xét về việc chuyển dịch sang “xanh hóa” trong sản xuất và XK rau quả, có thể kể đến trường hợp CTCP Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (Vinacoco), thành viên thuộc GC Food Group, mới đây đã đạt giải thưởng chất lượng quốc gia với sản phẩm thạch dừa, vốn đang XK vào 22 quốc gia (đặc biệt là những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Đại diện công ty này cho biết đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu nước dừa – vốn trước đây thường bị bỏ phí nhằm tạo ra các sản phẩm thực phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ cho XK. Để làm được điều đó, công ty đã hợp tác chặt chẽ với các nông hộ tại vùng nguyên liệu dừa Bến Tre (vùng trồng dừa lớn nhất Việt Nam) nhằm phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu chất lượng cao.
Theo Vinacoco, mối quan hệ hợp tác này không chỉ đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất mà còn mang lại giá trị gia tăng cho người nông dân và đóng góp tích cực vào kinh tế địa phương. Đặc biệt là giảm thiểu lãng phí, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng một hệ sinh thái bền vững cho ngành dừa Việt Nam.
Bàn thêm về việc “xanh hóa” ngành dừa hướng đến XK, đại diện Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (một nhà XK rau quả lớn của Bến Tre), cho rằng các hiệp định, thỏa thuận toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đề ra nhiều quy định về tiêu chuẩn phát thải chất thải, khí thải. Kinh tế tuần hoàn là mục tiêu phát triển trong tương lai gần mà các DN ngành dừa nói riêng và tất cả các ngành nghề khác cần phải đạt được.
“Đây là chìa khóa mở cửa “Phát triển bền vững” mà tất cả các DN đều mong muốn đạt được. Kinh tế tuần hoàn hướng DN đến việc sử dụng tốt nguồn nguyên vật liệu, thúc đẩy DN xây dựng chuỗi sản phẩm khép kín. Đi kèm theo đó là xu hướng sử dụng các vật liệu phục hồi, năng lượng tái tạo. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để DN giảm thiểu chi phí sản xuất, tối ưu hóa lợi nhuận cũng như tăng khả năng cạnh tranh”, phía Công ty Lương Quới nhấn mạnh.
Nói chung, để “xanh hóa” chuỗi giá trị là bệ đỡ nhằm tăng lực đẩy cho XK rau quả đang chờ đợi vào khả năng tiên phong của các DN đứng đầu chuỗi. Họ cần đầu tư vào các nông trại, vùng nguyên liệu và nâng cao năng lực của nông dân thực hành canh tác xanh. Nội như vậy thôi, bản thân họ đã đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thông qua vai trò giám sát các quy trình xanh.
Thế Vinh