Khoai mì là một nông sản bản địa đặc trưng của huyện Củ Chi (Tp.HCM). Từ nguồn nguyên liệu này, nhóm của doanh nông trẻ là anh Mai Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Yam Kitchen, đã lập một dự án khởi nghiệp xanh về các dòng khoai mì dinh dưỡng với thương hiệu “cusami”, tức “củ sắn mì”.
Bám sát nhu cầu của cuộc sống
Đơn cử như hai dòng sản phẩm chính của cusami được chế biến từ 100% nguyên liệu khoai mì tươi ngon là bánh giò khoai mì và bánh khoai mì nướng, nhằm phục vụ cho người tiêu dùng kiểm soát cân nặng, phòng ngừa một số bệnh mãn tính.
Việc tìm “chìa khóa” cho các doanh nông nâng tầm nông sản bản địa để đi được đường dài ở thị trường nội địa và vươn ra xuất khẩu đòi hỏi còn nhiều việc phải làm. |
Nói về lý do chọn chế biến các sản phẩm ăn kiêng từ nguồn nguyên liệu đặc sản khoai mì ở địa phương, anh Mai Tuấn Anh cho biết bởi vì thị trường ăn kiêng dành cho người béo phì rất tiềm năng ở trong nước và trên thế giới (trị giá khoảng 109 tỷ USD). Cho nên thời gian tới công ty sẽ hợp tác với nông dân ở Củ Chi để phát triển vùng nguyên liệu khoai mì theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap…để đạt chuẩn xuất khẩu (XK).
Nhờ vào khả năng chế biến độc đáo, cùng với triển vọng thị trường mà nhóm của anh Mai Tuấn Anh đã giành giải nhất tại Vòng chung kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững (được tổ chức hôm 10/11 tại Tp.HCM) với sự tham gia của 36 ý tưởng/dự án đến từ 26 tỉnh, thành (gồm các dự án từ tài nguyên bản địa quê mình).
Chia sẻ tham vọng xa hơn, anh Mai Tuấn Anh nói: “Hiện chúng ta đã có cà phê rất nổi tiếng, nhưng lại chưa có sản phẩm bánh để ăn kèm với cà phê. Nên tham vọng của chúng tôi có thể làm sản phẩm bánh từ củ khoai mì bản để ăn kèm với cà phê”.
Cũng nên nhắc thêm, từ các ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi về khởi nghiệp xanh này (do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức trong hơn 10 năm qua), đã có gần 30% số ý tưởng thực sự biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần tạo nên giá trị thực tiễn cho nông sản bản địa tại các địa phương.
Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng đây là tiền đề cho các doanh nông trẻ với việc nâng tầm nguồn nông sản bản địa sẽ đứng vững hơn trên thị trường nội địa và vươn ra XK đến nhiều thị trường quốc tế, với các yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa.
“Họ thực sự đang trên con đường trở thành những doanh nông trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được chế biến sâu đến nhiều nơi trên thế giới”, bà Vũ Kim Anh nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tư duy và nhận thức của những doanh nông trẻ tham gia vào khởi nghiệp xanh từ nguồn nông sản bản địa nay đã khác. Chính những thay đổi về nhận thức, tư duy đã giúp họ bám sát hơn với các nhu cầu của cuộc sống hiện nay.
Bà Lan cho biết nhân tố xanh được các doanh nông trẻ chú tâm ngày càng nhiều hơn. Các dự án, ý tưởng đã đi sâu tìm hiểu, nhấn mạnh những yếu tố xanh này. Họ lấy yếu tố xanh làm đặc trưng trong quá trình khai thác nông sản bản địa.
Xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Bên cạnh đó, như chia sẻ của bà Phạm Chi Lan, các doanh nông cần chú ý đến tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới hoặc là quản trị mới, cách làm mới…Ngoài ra, một yếu tố quan trọng không thể thiếu đối với họ chính là yếu tố thương mại, thị trường.
“Bởi hiện nay trong một thị trường cạnh tranh gay gắt, thói quen người tiêu dùng thay đổi, nếu không hiểu, tính toán và làm được về khía cạnh thương mại hóa sản phẩm thì những ý tưởng khai thác nguồn nông sản bản địa dù có hay đến mấy hay sản phẩm tốt đến mấy cũng khó có thể sống nổi trên thương trường”, bà Lan bộc bạch.
Đứng ở góc độ là doanh nông, giám đốc kinh doanh của Hợp tác xã Đà Giang ECO (ở xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đang phát triển các thực phẩm sạch từ nguồn nông sản bản địa là các loại cá (cá trắm đen, cá lăng và cá ngạnh) được nuôi ven lòng hồ Hòa Bình, chị Nguyễn Thị Mai Hồng nhấn mạnh để đáp ứng nhu cầu của các siêu thị, nhà hàng trên cả nước thì HTX đã và đang có quy trình nuôi cá sạch khép kín đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và VietGap.
Trao đổi với VnBusiness, chị Hồng cho biết ngoài 45 lồng bè của HTX thì hiện còn có 75 lồng bè của các hộ liên kết nên về nguyên liệu luôn sẵn sàng, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Như hiện tại HTX đang sản xuất và phân phối ra thị trường khoảng 10 tấn cá/tháng nhờ vào việc tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa.
“Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư bám sát, hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số đang nuôi cá ở lòng hồ Hòa Bình từ lúc bắt đầu thả cá cho đến lúc thu hoạch, để nhằm đảm bảo cá sạch theo đúng tiêu chuẩn. HTX không chỉ dừng ở việc cung cấp thực phẩm sạch mà còn nâng cao đời sống người dân địa phương, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số, cũng như xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong nuôi trồng và chế biến”, chị Hồng nói.
Hay như chia sẻ của một doanh nông đang dành tâm huyết để chế biến các sản phẩm đồ uống từ cây xương rồng bản địa ở tỉnh Phú Yên là anh Trần Bảo Huy, Giám đốc Công ty TNHH Xương rồng Việt Nam, đó là phía công ty đã và đang hợp tác với các nông dân để trồng và thu mua xương rồng Nopal, giúp họ cải thiện thu nhập và khai thác hiệu quả đất đai. Điều này không chỉ giúp công ty tạo ra các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, với dòng sản phẩm đồ uống như nước xương rồng và trà xương rồng của anh Huy, một số chuyên gia góp ý là cần phải có tầm nhìn về vùng nguyên liệu, cũng như nên có chiến lược quảng bá trên thị trường. Ngoài ra, công ty cần phải chú trọng hơn về dược tính của sản phẩm, dựa vào các nghiên cứu khoa học để khai thác lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Có thể nói việc tìm “chìa khóa” nâng tầm cho nông sản bản địa nhằm đi được đường dài đòi hỏi các doanh nông còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, khi nhắm đến XK đòi hỏi họ phải xây dựng chuỗi giá trị bền vững, vạch ra kế hoạch từng bước cụ thể, ổn định vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn mác, tính toán về cách bảo quản, cải tiến những sản phẩm tiện ích hơn…Song song đó, để nâng tầm thương hiệu cho các nông sản bản địa thì các doanh nông nên tập trung vào giá trị cốt lõi, dựa trên giá trị gia tăng, xem đây là một cách tiếp cận chiến lược.
Thế Vinh