Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, bối cảnh tỷ giá USD tăng mạnh như hiện tại không chỉ giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK)gạo hưởng lợi mà còn có lợi cho nông dân trồng lúa.
Mặt hàng gạo hưởng lợi
Theo ông Bình, công ty đang đi theo phân khúc gạo chất lượng nên có lãi thì mới làm. Do XK gạo chất lượng cao sang châu Âu tăng mạnh nên các hợp đồng đều được ký thanh toán bằng đồng USD, trước mắt đã thấy có lợi thêm 5 - 6%. Kim ngạch XK có thể sẽ tăng thêm khoảng 4 triệu USD, lên 40 triệu USD trong năm nay.
Việc tỷ giá USD tăng và giá lương thực trên thế giới tăng đang giúp cho các nhà xuất khẩu gạo cải thiện biên lợi nhuận. |
Một số DN XK gạo cũng nhận định biến động tỷ giá USD đang giúp cho họ cải thiện biên lợi nhuận. Đặc thù của ngành gạo là đơn hàng ký kết theo tháng. Chẳng hạn, đơn hàng với khối lượng lớn chỉ được ký xong 5-10 ngày mới được giao hàng, chứ không phải mua trước mấy tháng trời như các mặt hàng khác.
Có thể nói, tình hình chung là XK gạo đang rất thuận lợi. Đối với những DN nào đã giao hàng rồi, có tiền về rồi sẽ được lợi khi giá USD tăng. Tuy nhiên, đối với những đơn hàng chưa giao thì các khách hàng sẽ e ngại, vì giá USD tăng nên họ sẽ cân nhắc trong việc thu mua lúa gạo ở giai đoạn này hay giai đoạn khác.
Bên cạnh đó, trong khi giá gạo Thái Lan giảm xuống, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn không đổi và có nhiều đơn đặt hàng. Cho nên, XK của Việt Nam năm nay có thể cao hơn dự báo. Theo giới chuyên gia, nếu giá thành sản xuất thấp, DN sẽ có những thuận lợi để mua lúa gạo XK, tạo thuận lợi đẩy mạnh XK gạo trong thời gian tới.
Trong đánh giá mới đây, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đã bày tỏ sự kỳ vọng các nhà XK nông sản của Việt Nam sẽ cải thiện tỷ suất lợi nhuận trong thời gian tới, đặc biệt là đối với những mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ như gạo.
Xét về giá trị XK trong 9 tháng năm 2022, mặt hàng gạo đạt 2,6 tỷ USD (tăng 9,3% so với cùng kỳ năm rồi) và nằm trong 7 nhóm sản phẩm đạt giá trị XK trên 2 tỷ USD (thủy sản, cà phê, gạo, cao su, rau quả, điều, gỗ và sản phẩm gỗ). Tuy nhiên, có 2 mặt hàng có giá trị XK giảm là: Rau quả đạt 2,45 tỷ USD (giảm 11,1%); hạt điều đạt 2,3 tỷ USD (giảm 14%).
Chuyên gia phân tích của Mirae Asset nhận định, việc mất giá của tiền đồng gần đây sẽ gia tăng thêm lợi nhuận của các DN XK nông sản. Không những vậy, giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận của các nhà XK nông sản trong quý 4/2022.
Chờ cải thiện ở thuỷ sản
Giá nhiều mặt hàng chủ chốt, bao gồm năng lượng (trừ khí đốt tự nhiên và than mà Việt Nam có sự tự chủ nhất định về nguồn cung) và nông sản, đang giảm dần sau một thời gian dài tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Điều này đã trực tiếp giúp giảm chi phí của nhà sản xuất.
Ngoài ra, thương mại quốc tế đang chậm lại, nhưng XK nông sản dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng, do hạn hán kỷ lục trên toàn cầu dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và các mặt hàng liên quan khác trong tương lai. Tình hình này cũng khiến giá lương thực thế giới tăng, cùng với tỷ giá USD tăng, nên đã giúp các DN XK gạo hưởng lợi “kép”.
Giới phân tích cũng bày tỏ sự kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy XK nông sản của Việt Nam trong quý 4/2022, đặc biệt là các mặt hàng thủy hải sản - vốn đã bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc.
Kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại, thị trường thuỷ sản ở Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng ổn định về nhu cầu. Mặc dù rất nhạy cảm với giá cả và dễ biến động, nhưng các DN XK thuỷ sản vẫn kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ duy trì đà tăng trưởng vào năm 2023.
Trong quý 4/2022, hầu hết các DN sản xuất XK cá tra kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại nhờ kỳ nghỉ lễ. Theo dự báo XK thuỷ sản trong 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, đưa kết quả cả năm 2022 lên khoảng 10,7 – 10,8 tỷ USD, và mục tiêu 10 tỷ USD dự kiến sẽ đạt được vào cuối tháng 11/2022.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây từ chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản (Vasep), EU và nhiều thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản đang ngấm đòn nặng nề bởi lạm phát. Bắt đầu vào những tháng cuối năm, giá cả hàng hoá và sinh hoạt đều tăng, do vậy người tiêu dùng phải cân nhắc và thắt chặt chi tiêu.
XK thuỷ sản sang thị trường EU cũng như một số thị trường lớn khác bắt đầu chững lại từ tháng 9/2022 và sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong những tháng cuối năm. Và lo nhất là đơn hàng XK mới có xu hướng thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đề nghị hoãn giao hàng, gây khó cho nhà XK thuỷ sản của Việt Nam.
Để cải thiện biên lợi nhuận trong quý 4/2022, giới chuyên gia lưu ý các nhà XK thuỷ sản sẽ phải tiếp tục cải tiến nhiều ở khâu sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Hơn nữa, giá tăng cũng sẽ là yếu tố chính giúp biên lợi nhuận được cải thiện.
Tuy vậy, với những DN chủ yếu ký hợp đồng FOB (điều kiện giao hàng miễn trách nhiệm của người bán khi hàng đã lên boong tàu), việc phải chia sẻ chi phí vận chuyển với các nhà nhập khẩu để thúc đẩy doanh thu và duy trì mối quan hệ với khách hàng trong giai đoạn lạm phát hiện nay khi nhu cầu suy yếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận ròng.
Thế Vinh