Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, để đối phó với dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng kinh nghiệm từ năm ngoái. Đó là chuyển đơn hàng từ Nam ra Bắc để giữ cam kết với đối tác, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Dệt may chủ động đầu vào
Các DN còn chủ động mua nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, trong đó ưu tiên bông Mỹ. Nhờ đó, trong 10 tháng đầu năm 2021, cả ngành dệt may đã xuất khẩu (XK) nguyên liệu được khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các DN trong ngành dệt may đang có xu hướng chuyển đổi tích cực trong chuỗi cung ứng sang hướng bền vững và minh bạch hơn, xem đó là nhu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. |
“Điều này thể hiện DN Việt Nam đã chủ động đầu vào và vẫn phát triển trong điều kiện dịch bệnh. Các DN đã chăm lo chế độ chính sách cho người lao động. Do vậy, sau ngày 1/10, khi mở cửa trở lại, 86 - 92% lao động đã quay lại làm việc”, ông Giang nói.
Dù chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, nhưng tính chung 10 tháng đầu năm nay, XK của ngành dệt may vẫn đạt kim ngạch 32 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp thì rõ ràng đây là kết quả khá ấn tượng.
Nguyên nhân là vì nhiều DN trong ngành dệt may đang có xu hướng chuyển đổi tích cực trong chuỗi cung ứng sang hướng bền vững và minh bạch hơn, xem đó là nhu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay.
Theo Ts. Rajkishore Nayak, chuyên gia quản trị DN thời trang tại Đại học RMIT, các nhà sản xuất thời trang và dệt may ở Việt Nam nên chú trọng thực hành sản xuất bền vững để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải đầu tư vào công nghệ và nguyên liệu bền vững mới.
Vấn đề quan trọng là các DN trong ngành cần cải thiện tính tự lực về nguyên liệu thô. Bởi lâu nay, khoảng 70% các nhà sản xuất dệt may Việt Nam dùng nguyên liệu thô nhập khẩu. Và gần 50% số nguyên liệu này được dùng trong các sản phẩm sẽ được xuất đi.
Cho nên, việc chuyển đổi chuỗi cung ứng trong ngành dệt may là cần thiết, nhất là để tránh lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô cũng như các vật tư khác từ Trung Quốc - vốn chứa đựng nhiều rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ts. Nayak cho rằng, thách thức lớn hiện nay là tìm được nguồn vải đúng chất lượng ở Việt Nam. Ngành thời trang và dệt may sẽ cần đẩy mạnh chất lượng vải vóc để tuân thủ nguyên tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây được xem là rào cản lớn nhất với các nhà sản xuất dệt may, vì một số nhà sản xuất thời trang hiện nhập vải từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan với giá thành rẻ hơn nhiều.
Tránh rủi ro thị trường
Hiệu quả của việc linh hoạt chuỗi cung ứng cũng có thể nhìn ở ngành nhựa. Qua theo dõi tình hình XK sản phẩm nhựa Việt Nam từ đầu năm đến nay sẽ thấy việc chuyển đổi này đã mang lại những hiệu quả nhất định, giúp nhiều DN “thoát nạn” giữa đại dịch.
Việc XK nhựa sang thị trường Mỹ với kim ngạch có thể tăng đến 90% trong năm 2021 là một minh chứng. Mới đây, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) dẫn lại số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tính riêng 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK sản phẩm nhựa tới thị trường Mỹ đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 37,2% tổng kim ngạch XK sản phẩm nhựa của Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch XK sản phẩm nhựa sang thị trường Mỹ đã tăng 87,8%.
Đây là kết quả rất ấn tượng với ngành nhựa khi mà dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 làm ảnh hưởng khá lớn đến XK sản phẩm nhựa của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Theo VPA, XK sang thị trường Mỹ tăng mạnh một số mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người Mỹ trong xây dựng, sửa sang trang trí nhà cửa như tấm sàn nhựa, ván sàn nhựa, rèm treo cửa, tấm trải sàn như đồ dùng trong xây lắp; linh kiện lắp đồ đạc trong nhà, xe cộ... Và một mặt hàng khác cũng được đẩy mạnh XK sang thị trường này là các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu làm đẹp như là bộ móng tay nhựa, dũa móng.
Thành quả đó đến từ việc các DN sản xuất sản phẩm nhựa XK có sự điều chỉnh tích cực trong chuỗi cung ứng phù hợp với xu hướng mới của thế giới. Đặc biệt là đã tối ưu hóa sản xuất và chi phí, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng còn nhằm để phân tán và giảm thiểu rủi ro do đại dịch gây ra.
Theo giới chuyên gia, việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sang hướng bền vững là nhu cầu tất yếu của các DN Việt trong giai đoạn hiện nay. Việc này đòi hỏi mỗi DN phải có tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế của mình, xây dựng chiến lược và có những bước đi thích hợp.
Cần nhắc lại, trong cuộc khảo sát hồi giữa năm 2021 của KPMG về chuỗi cung ứng Việt Nam - cơ hội và thách thức, đã nhận thấy 67% các nhà quản trị chuỗi cung ứng quan tâm hàng đầu tới những rủi ro thị trường.
Trong khi đó, phần lớn các giải pháp được áp dụng để cải thiện chuỗi cung ứng của các DN lại mang tính phân tán hơn là các giải pháp tích hợp và không phục vụ chuyển đổi toàn diện trong DN.
Để tránh rủi ro thị trường đòi hỏi các DN Việt phải cải thiện, chuyển đổi chuỗi cung ứng. Nếu muốn đạt được khả năng vận hành linh hoạt và có năng lực ứng phó tốt hơn, buộc các DN cần có những thay đổi căn bản trong chuỗi cung ứng nhằm tăng tính hiệu quả hơn.
Thế Vinh