Nhìn về triển vọng thị trường mua sắm trong mùa Tết 2022 sắp tới, ông Trần Hữu Hạnh, chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm ở quận Bình Tân (Tp.HCM), cho biết sẽ “liệu cơm gắp mắm” dựa trên những chuyển biến trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng sau đợt dịch Covid-19 lần 4.
Liệu cơm gắp mắm
Mối lo của ông Hạnh là giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 15 - 20% trong khi để giữ mối tiêu thụ thì cơ sở thực phẩm vẫn cố gắng không tăng giá đầu ra. Nhưng điều đó cũng là cho kế hoạch sản xuất hàng Tết của cơ sở chịu không ít tác động.
“Bóng ma” Covid-19 làm cho hành vi mua sắm của người tiêu dùng có nhiều thay đổi trong mùa Tết 2022 sắp đến, đòi hỏi các DN bắt nhịp tốt hơn. |
Còn theo ông Lý Minh Thành, thành viên lãnh đạo của một công ty sản xuất trái cây sấy ở tỉnh Bình Dương, dù vẫn đang nhắm đến thị trường Tết 2022 sắp đến nhưng công ty dự kiến công suất sản xuất sẽ thấp hơn mùa Tết năm 2021 khi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 làm cho doanh nghiệp (DN) còn nặng mối lo về đầu ra.
Như chia sẻ của ông Thành, công ty đang hướng đến phân phối đa kênh để chủ động đầu ra cho sản phẩm vào dịp cao điểm cuối năm và cận Tết sắp tới. Tuy nhiên, trước những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, để thích ứng tốt cũng không phải là điều dễ dàng cho phía DN.
Dưới góc nhìn của một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tiêu dùng và bán lẻ, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Unilever toàn cầu Gro 24/7, cho biết nhiều nhà bán lẻ thường nói rằng có mùa Tết thành công là “ăn” được hết. Đặc biệt là một số công ty trong những ngành hàng mà mùa Tết có thể chiếm đến 40% - 50% doanh số trong năm của họ.
Cho nên, như chia sẻ của ông Sơn, việc chuẩn bị cho tiêu thụ dịp Tết là điều mà bất kỳ DN nào cũng làm. Tuy nhiên, cái khó của các DN hiện giờ là thời gian mua sắm Tết của người tiêu dùng đang rút ngắn lại, không kéo dài như với trước đây.
Vì thế, câu chuyện dự báo nhu cầu tiêu dùng trong mùa Tết 2022 càng trở nên quan trọng hơn. Ông Sơn cho rằng, không chỉ dự báo nhu cầu mà còn dự báo về điểm rơi vào khoảng thời gian nào. Và câu chuyện đó càng trở nên hóc búa rất nhiều. Điều này càng đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 khi mọi thứ đều có thể xảy ra.
Nhất là người tiêu dùng đã thay đổi thói quen tích trữ hàng, không tập trung quá nhiều vào việc mua sắm trong mùa Tết. Không những vậy, bản thân nhiều cửa hàng bán lẻ cũng dè chừng trong việc tích trữ hàng Tết thay vì “đánh quả” hàng Tết như các năm trước.
Đứng ở vị trí Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga cho biết thông thường trước đây khi chưa có dịch Covid-19, chỉ cần nhìn vào data (dữ liệu) và qua các năm khác nhau thì có thể dự đoán xu hướng thị trường Tết năm tới sẽ như thế nào.
Bắt nhịp với thói quen mới
Còn khi đại dịch xảy ra, theo bà Nga, hành vi mua sắm, suy nghĩ của người tiêu dùng, thói quen sinh hoạt, giải trí, thói quen kết nối với mọi người đã thay đổi rất nhiều. Và đột nhiên, người tiêu dùng Việt đã xây dựng thói quen mới, và thói quen này sẽ dẫn dắt sự thay đổi về hành vi thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Điều này đòi hỏi các DN đang hướng đến thị trường mùa Tết cần lưu tâm đến 4 vấn đề là: chơi Tết, mua sắm Tết, ăn Tết và quà Tết đang có những thay đổi ra sao.
Qua một khảo sát nhỏ gần đây của Kantar Việt Nam đối với người tiêu dùng ở Tp.HCM và Hà Nội, bà Nga cho biết có 2 thay đổi chính.
Thứ nhất là số hoá, có nghĩa là mọi hoạt động của người tiêu dùng hiện nay liên quan đến Digital (kỹ thuật số) nhiều hơn, từ chuyện ăn chơi, đi lại, kết nối với mọi người, giải trí, quà cáp.
“Những hoạt động vui chơi Tết sẽ số hóa nhiều hơn. Việc mua hàng trực tuyến (online) trở thành kênh mua sắm chính của người tiêu dùng. Với những người mua mới trải nghiệm mua sắm online đã thấy được sự thuận tiện, dễ mua. Vì thế việc mua sắm Tết sẽ thay đổi”, bà Nga nói.
Bên cạnh đó, khi mọi người hạn chế gặp nhau hơn so với mùa Tết không dịch bệnh thì quà Tết cũng sẽ thay đổi. Khảo sát người tiêu dùng ở Tp.HCM, 40% người được hỏi nói rằng họ sẽ lên kế hoạch đặt hàng quà Tết và giao đến tận nhà người nhận.
Điều này sẽ đưa đến cơ hội rất khác cho những DN, thông thường sẽ có chương trình giỏ quà Tết mỗi năm, đặc biệt là đẩy hàng qua các kênh thương mại điện tử và đưa tận tay người nhận.
Ngoài ra, có những người được hỏi cũng cho biết họ không có ý định mua quà Tết mà thay bằng việc chuyển tiền, chuyển khoản cho người thân thay vì mua quà. Xu hướng như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các DN chuẩn bị đẩy hàng trong mùa Tết.
Thứ hai là việc người tiêu dùng lo lắng về công việc, thu nhập sẽ ảnh hưởng đến việc chi trả trong mua sắm và ảnh hưởng đến sản phẩm mà họ lựa chọn.
Người mua có thể không nhất thiết chỉ chăm chăm mua hàng rẻ mà họ quan tâm hơn đến giá trị thật sự hữu ích của sản phẩm. Vì vậy mùa Tết này, xu hướng đó vẫn diễn ra, đặc biệt khi người tiêu dùng mua sắm các mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng nhanh (FMCG) và kể cả các sản phẩm thực phẩm.
Khi mà thói quen mua sắm của người tiêu dùng cho mùa Tết sắp đến có nhiều biến đổi, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, có lưu ý các nhà kinh doanh không buông lỏng bất cứ khâu nào và cũng không quá tin vào một khâu nào mà mình phải theo suốt một hành trình.
Thế Vinh