Cuối tuần qua trong cuộc họp Chính phủ, Bộ KH&ĐT một lần nữa đưa ra thảo luận về gói phục hồi kinh tế sau Covid-19. Cơ sở để Bộ KH&ĐT đưa ra gói phục hồi này là bên cạnh một loạt gói chính sách đã được ban hành trong thời gian qua cho các đối tượng thụ hưởng, đã đến lúc cần gói "tiền tươi thóc thật" để đủ sức kích thích nền kinh tế.
Những thông tin hành lang mới đây cho thấy các DN đang chờ đợi thông qua một gói kích thích “khủng” hậu Covid-19 với quy mô có thể lên đến 800.000 tỷ đồng (ước khoảng 35 tỷ USD), tương đương 11% GDP của Việt Nam năm 2020, nhằm phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng.
Kịch bản tạo đòn bẩy tăng trưởng
Theo giới phân tích, nếu gói kích thích như trên được thông qua sẽ đẩy quy mô các gói kích thích hậu Covid-19 của Việt Nam lên 13% GDP 2020. Còn hiện tại, các gói kích thích kinh tế của Việt Nam sau dịch Covid-19 chỉ chiếm 2% GDP.
Trong khi đó, ở một số quốc gia phát triển, quy mô các gói kích thích so với GDP (%) trong năm 2021 chiếm tỷ lệ khá lớn. Đơn cử như ở Nhật là bằng 59% GDP, ở Mỹ bằng 23% GDP, ở Anh bằng 21,2% GDP, ở Úc bằng 17,9% GDP, ở Hàn Quốc bằng 15,5% GDP, còn Trung Quốc là bằng 15% GDP.
Theo Ts. John Walsh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT, chính phủ các nước khác đưa ra các gói kích cầu phản ánh nền kinh tế của mỗi quốc gia nhưng đều chia sẻ một số điểm chung. Một số chính phủ cam kết phân chia nguồn lực hợp lý hơn các nước khác. Một số phải đối mặt với nhiều phản kháng hơn từ các nhóm lợi ích bảo thủ, những người muốn đảm bảo giữ quyền kiểm soát phần lớn các nguồn lực của chính phủ.
Ông Walsh cũng lưu ý như trường hợp của Mỹ chi số tiền hàng tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế và nhiều chuyên gia cảm thấy rằng điều này vẫn sẽ không đủ, và có lẽ sẽ không bao giờ đủ dù có chi bao nhiêu đi nữa. Điều tương tự cũng đang diễn ra với các nước Tây Âu và Nhật Bản.
Dẫu biết Việt Nam khó có thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước lớn nêu trên, tuy nhiên cần nhìn nhận một thực tế là nên phát huy các nguồn lực tài chính để có được gói kích thích mới đủ mạnh nhằm gia tăng quá trình phục hồi sau khi suy giảm mạnh do dịch Covid-19.
Chẳng hạn, nếu như “kịch bản” chương trình về gói kích thích 800.000 tỷ đồng được thông qua, theo giới chuyên gia, tăng trưởng kinh tế trong 5 năm (2021 - 2025) dự báo đạt khoảng 6,4 - 6,8%/năm, cao hơn khoảng 1 điểm % so với “kịch bản” không thực hiện chương trình này.
Điểm đáng quan tâm là nếu như huy động các nguồn lực tài chính để thực hiện gói kích thích như vậy làm nợ công tăng lên nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Quy mô nợ công theo kịch bản là khoảng 47% năm 2022 và 49% năm 2023.
Tuy nhiên, trước áp lực cân nhắc trần nợ công, một số quan điểm cho rằng gói kích thích “khủng” có thể chỉ thông qua một phần chứ không phải toàn bộ, thời gian giải ngân không phải một lúc mà sẽ trong nhiều năm.
Trong “vòng xoáy” Covid-19, các DN vừa và nhỏ mơ về gói kích thích kinh tế “khủng” và “tiền tươi thóc thật” phải đến được tay DN với thủ tục thông thoáng hơn so với hiện tại. |
Mong “tiền tươi thóc thật”
Hơn nữa, sẽ có nhiều cách làm mới để luồng vốn được chảy vào đúng đối tượng. Ngoài ra, việc chi cho đầu tư công sẽ mạnh tay hơn nhằm làm “đầu tàu” kéo các thành phần khác trong nền kinh tế đi theo. Qua đó thúc đẩy GDP với mục tiêu tăng thêm 1% tăng trưởng trong 5 năm tới. Thị trường tài chính chứng khoán cũng sẽ được hưởng lây từ đây.
Nói về các chính sách tài khóa và tiền tệ được đưa ra để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Ts. John Walsh, nhấn mạnh đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên đang bị ảnh hưởng khá nặng. Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn, lại đang làm việc cho loại hình DN nêu trên. Vì vậy, cần lưu ý hỗ trợ các DN này.
Theo ông Walsh, các DN vừa và nhỏ có xu hướng có vấn đề về lưu chuyển tiền tệ. Họ đang gặp rắc rối nghiêm trọng sau những tháng không có doanh thu. Có thể không cứu được tất cả những DN này nhưng cũng đáng nỗ lực giúp cứu càng nhiều DN càng tốt.
Và điều quan trọng, như mong mỏi của nhiều DN vừa và nhỏ là họ cần được giãn, hoãn nợ lâu dài đến 2 năm tới thay vì chỉ đến tháng 6 năm sau. Cho nên gói kích thích kinh tế phải là “tiền tươi ” thật sự đến với DN.
Giới chuyên gia cho rằng các chính sách hỗ trợ DN, như gói kích thích “khủng” mà các DN đang chờ mong, cần được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của DN. Nhất là cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.
Còn hiện tại, đứng ở góc nhìn của một DN trong ngành nông sản thực phẩm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước những vấn đề bất cập chính sách hỗ trợ đối với DN, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Long Biên (Tp.HCM), bày tỏ mối băn khoăn là có đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế, gói hỗ trợ thì đừng để các DN phải rơi vào vòng luẩn quẩn ở khâu thủ tục cứng nhắc trong quá trình tiếp cận. Nếu vẫn giữ các quy định khắt khe, gây khó, dù có bao nhiêu gói hỗ trợ cũng khó có thể cứu được DN.
Theo ông Tuấn, nếu người làm chính sách thử đóng vai DN đi vay vốn hỗ trợ trong lúc này sẽ thấy được những khó khăn mà các DN đang nếm trải, từ khâu thủ tục cho đến các yêu cầu về tài sản đảm bảo. Từ đó để thấy, khi bàn về các gói hỗ trợ, gói kích thích thì “nói là một chuyện, còn làm là một chuyện”.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.