Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng nguy cấp cung ứng điện.
EVN cho biết miền Bắc có thể thiếu 4.900 MW điện. |
Theo EVN, đối với các ngày tháng 4, mặc dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiện nắng nóng nhưng thực tế sản lượng điện đã tăng cao. Từ ngày 01/04 - 15/04 sản lượng trung bình ngày đạt 792 triệu kWh/ngày (bằng 100,52% kế hoạch), từ ngày 16/04 đến 21/04 sản lượng trung bình ngày đạt 823 triệu kWh/ngày (bằng 104,49% kế hoạch). Dự báo trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch.
Trong khi đó, tính đến ngày 24/04/2023, nhiều hồ thủy điện trên hệ thống đã về mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện và phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời gian còn lại của mùa khô 2023. Cụ thể, có 9 hồ đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 3.000 MW).
Trong khi đó, khả năng cung cấp của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là 46 triệu tấn, thấp hơn so với Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 đã được phê duyệt là hơn 6 triệu tấn, riêng với các nhà máy của EVN thiếu 1,3 triệu tấn.
"Việc mua than bổ sung cho lượng than do TKV và Tổng công ty Đông Bắc không cung cấp được gặp nhiều khó khăn do hạn chế của thị trường và cơ sở hạ tầng tiếp nhập than nên đã xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm", EVN cho hay.
Về nhiên liệu khí, theo thông báo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam/Tổng công ty Khí Việt Nam (PVN/PVGas), khả năng cấp khí trong năm 2023 tiếp tục xu hướng giảm so với các năm trước do một số mỏ chính bước vào thời gian suy giảm (lô 06.1).
Sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỷ m3 (trong đó khí Đông Nam Bộ là 4,3 tỷ m3, khí Tây Nam Bộ là 1,3 tỷ m3), thấp hơn so với năm 2022 là 1,31 tỷ (khả năng cấp khí 2022 là 6,91 tỷ m3, trong đó khí Đông Nam Bộ là 5,88 tỷ m3, khí Tây Nam Bộ là 1,03 tỷ m3). Bên cạnh đó, một số mỏ khí đã có thời gian khai thác lâu (mỏ PM3), thường xuyên xảy ra sự cố, càng làm cho việc cung cấp khí cho sản xuất điện trở nên khó khăn...
Với nguồn năng lượng tái tạo, EVN cho hay dữ liệu vận hành năm 2022 ghi nhận được, công suất tương ứng mức tần suất xuất hiện 50% trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 của các nguồn điện gió chỉ đạt từ 350-750MW. Với năm 2023, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khả năng phát điện của các nguồn điện gió trong các tháng 5, 6, 7 có thể thấp hơn năm 2022, càng về cuối giai đoạn mùa khô khả năng phát có xu hướng càng giảm, đặc biệt là các cao điểm tối hàng ngày.
Đáng lo ngại, EVN cũng cho hay sự cố kéo dài một số tổ máy của Nhà máy điện Phả Lại, Vũng Áng, Nhiệt điện Cẩm Phả có thể ảnh hưởng tới cung ứng điện. Trong đó, tại nhà máy điện Phả Lại, tuabin S6 Phả Lại hiện đã được đưa sang xưởng sửa chữa tại Ấn Độ. Theo dự kiến của đơn vị, công tác sửa chữa sẽ hoàn thành và trả lại tổ máy khả dụng trong tháng 8/2023.
Tại Nhà máy điện Vũng Áng, tổ máy S1 tiếp tục sự cố kéo dài sau khi vận hành thử nghiệm vào đầu tháng 4/2023 do độ rung tuabin tăng cao, hiện tại theo cập nhật từ Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thì tổ máy S1 có thể bất khả dụng đến sau tháng 6/2023.
Tại Nhà máy điện Cẩm Phả, tiến độ cập nhật từ Tổng công ty Điện lực – TKV cho thấy, tổ máy S2 nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả chỉ có thể đưa vào vận hành cuối tháng 7/2023.
EVN cho biết, trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra như: Pmax miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); Sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu... thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600– 4.900 MW.
Trước tình hình nguy cấp trên, EVN đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì tổ chức cuộc họp với EVN, PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc, đơn vị phát điện liên quan để bàn giải pháp khẩn cấp hỗ trợ EVN tháo gỡ khó khăn.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo PVN để đảm bảo cung cấp khí ổn định, ưu tiên cấp khí cho phát điện; Đảm bảo vận hành ổn định các tổ máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1; Chỉ đạo PV Power khẩn trương khắc phục sự cố S1 Vũng Áng 1 sớm đưa vào vận hành.
Bộ Công Thương cũng cần sớm có ý kiến chỉ đạo về chủ trương EVN bán điện phục vụ thử nghiệm, khởi động các tổ máy tại Lào, tạo điều kiện cho EVN ký hợp đồng bán điện và đưa các nhà máy này vào vận hành thương mại... Ngoài ra, giải quyết các vướng mắc liên quan tới xác định giá điện đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Khó khăn khi mua điện từ Trung Quốc, Lào Cũng theo báo cáo của EVN, việc nhập khẩu điện đang gặp khó khăn. Cụ thể, mua điện từ Trung Quốc, EVN cho hay theo hợp đồng mua điện Trung Quốc với Công ty Quốc tế Vân Nam (YNIC), dự kiến trong năm 2023 sẽ mua tổng sản lượng là 1,65 tỷ kWh qua 02 đường dây 220kV Guman – Lào Cai và Malutang – Hà Giang. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, YNIC thông báo về khó khăn thiếu nguồn cung cấp điện cho khu vực tỉnh Vân Nam và không thể cấp điện thông qua đường dây 220kV Guman – Lào Cai, do đó sản lượng dự kiến mua năm 2023 chỉ đạt 1,1 tỷ kWh, bằng 68% KH 2976. Với trường hợp mua điện của Lào, EVN đã thống nhất với Chủ đầu tư và trình Bộ Công Thương để trình Chính phủ chủ trương bán điện phục vụ việc thử nghiệm và khởi động cho các nhà máy điện trong cụm Nhà máy thủy điện Nậm Mô và cụm Nhà máy thủy điện Nậm Kông, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được thông qua. EVN đã có văn bản 1874/EVN-TTĐ ngày 17/4/2023 báo cáo Bộ Công thương về các vướng mắc khi hai bên không thể ký kết hợp đồng EVN bán điện cho nhà máy. |
Lê Thúy