Kể từ ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.920 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đại diện EVN, mức điều chỉnh này tương đương tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, đây là con số thấp hơn nhiều so với kịch bản tăng giá được EVN xây dựng và trình Bộ Công Thương xem xét trước đó.
Lo hóa đơn tiền điện tăng sốc
Tuy nhiên, về bản chất, hành động tăng giá của bất kỳ loại hàng hoá, dịch vụ nào cũng gây tác động tiêu cực đến đối tượng sử dụng, ở đây điện là loại hàng hóa đặc biệt mà khách hàng nào cũng cần phải sử dụng, nhất là đúng thời điểm nắng nóng bước vào thời gian cao điểm.
Chi phí sản xuất nhiều ngành sẽ "đội thêm" vì giá điện tăng. |
Theo thống kê số liệu năm 2022, EVN đang bán điện tới 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ. Bình quân mỗi tháng, khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, trung bình mỗi khách hàng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.
EVN cũng đang có 1,822 triệu hộ sản xuất. Bình quân mỗi tháng, mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.
Với 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, khách hàng nhóm này sẽ trả tăng thêm 40.000 đồng/tháng.
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tính toán, với mức tăng 3% của giá điện sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng 0,99% vòng 1 - trực tiếp, còn vòng 2 tác động tăng khoảng 0,1%. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất mà dùng điện nhiều, ví dụ như sản xuất thép, giá thành tăng khoảng 0,18%; giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%. Còn đối với người tiêu dùng bình quân của 25 triệu hộ tiêu dùng điện hiện nay bình quân khoảng 200kWh/tháng, tăng khoảng 12.000 đồng/tháng tiêu dùng điện.
Giá điện có giảm hay tăng lần thứ 2 trong thời gian tới?
Tăng 3% không cao nhưng những lo ngại việc “té nước theo mưa” sau việc tăng giá bán lẻ điện là có. Theo đó, ông Thỏa cho rằng Nhà nước cần phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá.
Trước hết, Nhà nước cần yêu cầu tất cả doanh nghiệp phải đăng ký giá, những doanh nghiệp Nhà nước còn định giá, doanh nghiệp phải kê khai giá báo cáo chi tiết giá thành sản xuất, kinh doanh của mình khi điều chỉnh giá điện tăng 3%, "tránh tình trạng giá điện tăng bao nhiêu ông tăng bấy nhiêu". Ngoài ra, lợi dụng thêm việc tăng giá điện để tăng giá, 'lôi kéo' những mặt hàng ở ngoài thị trường, chợ dân sinh tăng theo, gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, một trong những lo lắng mà khách hàng sử dụng điện băn khoăn là giá sẽ giảm hay tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ 2, khi EVN cho biết mức tăng này vẫn chưa đủ giúp tập đoàn cân đối được tài chính.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, với chi phí sản xuất điện đã được kiểm tra trong năm 2022, giá điện phải tăng 17% thì tập đoàn mới cân đối được tài chính.
Trong bối cảnh gần đây, giá nguyên liệu có xu hướng giảm mạnh, nhiều câu hỏi đặt ra, EVN có thể xem xét điều chỉnh giảm giá điện khi chi phí sản xuất điện giảm trong thời gian tới hay không? Tuy nhiên, ông Lâm cho hay việc này chưa thể vì giá nguyên liệu đầu vào vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh. "Chúng tôi chưa biết được than, khí trong tháng 5, 6 như thế nào, do đó EVN vẫn đang bám sát diễn biến giá nguyên liệu. Ngay cả giá nguyên liệu đã giảm nhưng tập đoàn vẫn phải chịu lỗ", ông nói.
Có nhiều giả thiết là EVN và Bộ Công Thương cho phép tăng giá điện 3% thời điểm hiện nay là cơ sở để giá điện cuối năm sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng: “Tăng bao nhiêu phải tính toán, cân đối sức chịu đựng của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế”.
Được biết theo quy định, hàng quý, EVN rà soát lại chi phí sản xuất điện để báo cáo với Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước, dựa vào biến động giá thành, EVN báo cáo lên Thủ tướng về việc đề xuất điều chỉnh giá điện, tối thiểu 6 tháng mới được điều chỉnh giá điện một lần.
Nhật Linh