Nhân “cơn sốt” trái sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết vừa mới được tin Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã phản ứng ngay với tình hình cạnh tranh về sầu riêng với Việt Nam.
Sầu riêng “tam hùng phân tranh”
Như chia sẻ của bà Hạnh, khi có thông tin Việt Nam xuất khẩu (XK) chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, phía Thái Lan đã làm ngay một biện pháp rất ấn tượng. Đó là tổ chức một Hội đồng tướng lĩnh và quản lý nhà nước để kiểm tra chất lượng của sầu riêng.
Các nhà thu mua của Trung Quốc thường “soi” vào chất lượng và tiêu chuẩn của trái cây Việt nhằm phục vụ thị trường của họ. |
“Tôi nghĩ đó là một cách làm marketing (tiếp thị) quá hay. Tôi cũng nghe thông tin là người Thái đã đưa ra tiêu chuẩn để cạnh tranh với sầu riêng của Việt Nam. Họ không xuống giá, không tặng quà cho ai mua sầu riêng, mà họ cạnh tranh bằng tiêu chuẩn”, bà Hạnh nói.
Xét về lợi thế, theo giới chuyên gia, sầu riêng của Thái Lan thua Việt Nam ngay từ đầu về hai chuyện. Thứ nhất là họ không rải mùa được (chỉ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, còn những tháng khác hầu như không có), còn sầu riêng của Việt Nam có quanh năm (chỉ có tháng thu hoạch nhiều hay có tháng thu hoạch ít) khi rải đều theo vĩ độ từ miền Nam ra đến miền Trung - Tây Nguyên. Thứ hai, Việt Nam ở ngay bên cạnh Trung Quốc, quá thuận lợi về mặt thời gian và chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là giá sầu riêng Việt Nam bán tại các chợ đầu mối của Trung Quốc thấp hơn từ 25-30 ngàn đồng/kg so với sầu riêng Thái Lan dù mẫu mã, chất lượng sầu riêng của ta không hề kém cạnh so với nước bạn. Nguyên nhân chính là do tính ổn định về chất lượng trái sầu riêng của Việt Nam vẫn là bài toán khó với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.
Ngoài đối thủ lớn nhất là Thái Lan thì sầu riêng Việt sẽ còn phải so kè với một đối thủ lớn trong ASEAN là Philippines khi nước này cũng vừa có nghị định thư xuất sầu riêng chính ngạch vào Trung Quốc. Điều này được xem như “tam hùng phân tranh” để tranh thị phần.
Tuy vậy, theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, diện tích trồng sầu riêng của Philippines chỉ vào khoảng 16.000ha, trong khi diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam hiện đã là 100.000ha.
Phía Philippines hy vọng năm 2023 kim ngạch thu về khi xuất khẩu (XK) vào Trung Quốc sẽ là 150 triệu USD. Theo ông Nguyên, đây là con số khiêm tốn so với mục tiêu XK sầu riêng của Việt Nam vào Trung Quốc đạt khoảng 1 tỷ USD cho năm nay. Nói chung, việc XK chính ngạch sầu riêng của Philippines chỉ là đa dạng hóa thêm nguồn cung thị trường chứ không phải là mối đe dọa quá lớn cho trái sầu riêng Việt tại Trung Quốc.
“Nóng” thêm các cuộc so kè
Ngoài câu chuyện cạnh tranh với trái sầu riêng, thông tin mới đây từ trang tin Baijiahao (Trung Quốc) có cho biết, hiện nay “cơn sốt trái cây Đông Nam Á” đang bùng nổ trên bàn ăn của người Trung Quốc và nông sản các nước ASEAN không thể tách rời thị trường Trung Quốc.
Như dữ liệu từ cách đây 2 năm cho thấy Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia và Malaysia cùng nhau chiếm hơn 60% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây tươi, sấy khô và các loại hạt của Trung Quốc là 15,22 tỷ USD.
Thông tin này rất đáng để các nhà XK trái cây của Việt Nam lưu tâm. Nhất là kể từ khi thành lập Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN, trái cây nhập khẩu của ASEAN đã được giảm thuế ở thị trường chính yếu này. Đặc biệt, hiện có nhiều loại trái cây ASEAN như thanh long, sầu riêng, vải, nhãn, chuối, xoài…được nhập khẩu vào Trung Quốc với các chính sách gần đây cũng liên tục được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho nhập khẩu.
Sự nhìn nhận của trang tin Baijiahao là tín hiệu tích cực để ngành hàng trái cây ASEAN “thừa thắng xông lên” trong thời gian tới. Tuy nhiên, song song đó sẽ là thách thức không nhỏ về tính cạnh tranh ở thị trường trái cây Trung Quốc sẽ “nóng” thêm với các cuộc so kè giữa những quốc gia của ASEAN vốn đang chiếm thị phần đáng kể ở Trung Quốc.
Đứng ở góc độ của DN hàng đầu XK trái cây, khi so sánh mức độ cạnh tranh trong vấn đề logistic giữa trái cây Việt Nam và Thái Lan tại Trung Quốc, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, đã nhìn nhận ưu điểm của Việt Nam là gần thị trường, còn Thái Lan vận chuyển chậm hơn chúng ta vài ngày.
Tuy nhiên, ông Tùng lưu ý một khi Thái Lan rút ngắn được thời gian vận chuyển thì ưu thế này dần mất đi, khi đó chúng ta sẽ phải bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt hơn. Cho nên, còn một ưu thế của trái cây Việt so với trái cây Thái Lan là trồng được trái cây nghịch vụ (sầu riêng, thanh long...) rất cần phải bảo vệ trong thời gian tới.
Còn theo Ts. Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, các DN Việt Nam XK trái cây sang Trung Quốc lâu nay tập trung vào đường bộ, mà quên mất đường biển có nhiều ưu thế. Ngoài ra, điều rất đáng tiếc là nông dân và DN chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc.
Riêng với góc nhìn của một hợp tác xã hàng đầu trong mảng XK chuối, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom, Đồng Nai), cho rằng các khách hàng Trung Quốc yêu cầu rất cao về từng container hàng XK. Xét về yếu tố cạnh tranh và yêu cầu của thị trường Trung Quốc đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng tốt về chất lượng, tiêu chuẩn các mặt hàng trái cây.
Xét cho cùng, trong “cơn sốt trái cây ASEAN” ở Trung Quốc đang đòi hỏi ngành trái cây Việt phải nâng cao vị thế của mình khi gặp sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Điều này đòi hỏi phải khắc phục được những hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, thiếu tính ổn định, công nghệ bảo quản, chế biến còn thấp…
Hơn thế nữa, khi đã xem việc cạnh tranh cần đặt lên hàng đầu ở thị trường Trung Quốc thì người trồng trái cây ở Việt Nam cần chú ý hơn đến chất lượng trái cây để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng nước này. Cạnh tranh với trái cây các quốc gia ASEAN cũng là động lực để trái cây Việt cải thiện các quy trình và tiêu chuẩn chất lượng để tạo vị thế cạnh tranh tốt hơn nữa.
Thế Vinh