Ở Cần Thơ - “Thủ phủ” của miền Tây Nam Bộ, có vợ chồng chị Ðỗ Thị Xuân Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Dika Happy, được mệnh danh là “Startup Lêkima”. Thời gian qua, chị Diệu cùng chồng là anh Nguyễn Việt Khoa cùng các đồng sự đã nghiên cứu triển khai dự án “Bảo tồn và nâng cao giá trị trái Lêkima ở Việt Nam”.
Khởi nghiệp thành công với trái Lêkima
Trong tháng 10/2022, dự án được trao giải thưởng sáng tạo có ý nghĩa cộng đồng trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Ðổi mới sáng tạo” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.
Từ tháng 5/2021, vợ chồng chị Diệu lên kế hoạch sản xuất chế biến quả Lêkima, từ việc tìm và phát triển vùng nguyên liệu…cho đến nghiên cứu chế biến. Anh Khoa là người tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thực phẩm nên phụ trách nghiên cứu chế biến, quản lý sản xuất. Còn bản thân chị Diệu là cử nhân kinh tế học nên phụ trách tìm nguyên liệu, xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Chị Ðỗ Thị Xuân Diệu (bìa phải), được mệnh danh là “Startup Lêkima” với mong muốn hồi sinh quả Lêkima với đa dạng sản phẩm chế biến để vươn xa ra thị trường quốc tế. |
Về vùng nguyên liệu, theo anh Khoa, ở các tỉnh thành của miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng hiện tại đang trồng cây Lêkima rất tốt, không sâu bệnh, giống như cứ để tự nhiên, cây tự phát triển và ra quả đều đặn quanh năm. Cứ khoảng 1.000m2 trong vùng trồng liên kết với nông dân thì mỗi năm sẽ thu hoạch được 2 - 3 tấn quả. Công ty đang nỗ lực liên kết chặt chẽ với nông dân từ khâu trồng trọt cho tới khâu thu hoạch, sản xuất như một chuỗi giá trị cho quả Lêkima. Điều này giúp dễ dàng quản lý chất lượng của quả cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sau khi nghiên cứu chế biến thành công sản phẩm Lêkima sấy dẻo, bột Lêkima, vào tháng 6/2022, công ty của vợ chồng chị Diệu hoàn thành nhà xưởng, bước đầu đã đưa ra thị trường sản phẩm Lêkima sấy dẻo, sấy bột. Bên cạnh đó, công ty cũng đang nghiên cứu chế biến thêm một số sản phẩm mới như bánh mì Lêkima hay một số loại bánh kẹo, bánh snack Lêkima (có trộn lẫn với một số loại bột khác).
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người còn mua quả Lêkima về để trang trí lên ban thờ cho đẹp mắt. |
Theo anh Khoa, hiện tại sản phẩm chế biến từ quả Lêkima còn rất hạn chế trên thị trường khi mà loại trái này từ trước đến nay chưa được quan tâm nhiều. Còn về giá trị “siêu dinh dưỡng”, có người biết người không, nên để phát triển giá trị của quả Lêkima ở trong nước thì vẫn chưa có. Nhất là khi chưa có nhiều vùng trồng mang tính quy mô lớn ở nhiều địa phương.
“Hiện tại chúng tôi cũng đang hoàn thiện quy trình sản xuất, sử dụng các công nghệ sấy khác nhau như sấy nóng, sấy lạnh, sấy thăng hoa để làm sao giữ được chất lượng sản phẩm Lêkima và nâng cao thời gian bảo quản một cách tự nhiên nhất”, anh Khoa nói.
Còn theo chị Diệu, thị trường trong nước mà công ty đang cung cấp là những cửa hàng buôn bán đặc sản trong cả nước và những người quan tâm đến sức khoẻ, cũng như liên kết với các khu du lịch sinh thái để bán sản phẩm. Ngoài ra, công ty cũng đang nhận lời mời hợp tác và làm việc với một số đơn vị để hoàn tất hồ sơ, tiêu chuẩn để tiến tới xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
“Định hướng của công ty làm nhắm tới tiêu thụ rộng rãi với số lượng lớn sản phẩm chế biến từ quả Lêkima không chỉ ở trong nước mà cho cả xuất khẩu ở nhiều quốc gia. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người nông dân vùng quê, vừa giúp cải thiện kinh tế nông thôn vừa cải thiện sức khỏe cộng đồng”, chị Diệu chia sẻ.
Trao đổi với Tạp chí Kinh Doanh giữa tiết trời ấm áp của mùa Xuân Quý Mão 2023, chị Diệu cho biết về lâu dài công ty sẽ đa dạng thêm các sản phẩm chế biến từ quả Lêkima đáp ứng nhiều sự lựa chọn trong xu hướng tiêu dùng mới. Tuy nhiên, điều mong muốn là cần sự hỗ trợ nhiều hơn về mặt chính sách, đưa ra những nghiên cứu chính xác về giá trị bổ dưỡng của quả Lêkima. Nếu nói về những nghiên cứu thông thường trên thế giới đối với tác dụng dinh dưỡng của quả Lêkima thì đã có và công ty cũng chỉ tham khảo tài liệu của nước ngoài, nhưng xét về nghiên cứu ở trong nước về loại quả này thì vẫn còn rất hạn chế.
Hơn nữa, theo chị Diệu, ở trong nước, do cây Lêkima vẫn chưa nằm trong danh mục cây kinh tế của ngành nông nghiệp nên còn thiếu rất nhiều số liệu đầy đủ về loại cây này. Cho nên công ty rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp. Để thông qua đó, giúp cho doanh nghiệp kết hợp với mô hình hợp tác xã nông nghiệp có tâm thế phát triển bền vững khi tập trung trồng trọt, sản xuất chế biến để hồi sinh loại quả quý này và vươn xa hơn.
"Chứa đựng" giá trị văn hóa, lịch sử
Gõ từ khoá “Giá trị dinh dưỡng của trái Lêkima” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra đến khoảng 62,5 triệu kết quả chỉ trong 1,34 giây. Trong đó, một loạt website đã liệt kê mức độ ngon và bổ dưỡng, là “siêu thực phẩm” của loại trái cây quý này.
Những tài liệu nghiên cứu của nước ngoài cho rằng Lêkima có hàm lượng protein và hàm lượng kali khá cao so với các loại trái cây khác. Loại quả này có thể mang lại những lợi ích sức khỏe nhất định cho con người.
Không chỉ là loại trái “siêu thực phẩm”, “siêu dinh dưỡng”, cây Lêkima còn được xem là một biểu tượng văn hoá ở Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gắn liền với cuộc đời của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, người con gái quang vinh của huyện Đất Đỏ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Người ta kể lại rằng, năm 1995, ngôi mộ chị Sáu ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) được trùng tu tôn tạo khang trang và đến năm 2000, người ta trồng thêm cây Lêkima, mà phải lấy giống từ quê hương Đất Đỏ thì cây mới sống và đơm hoa, kết trái.
Vào ngày rằm, mồng một, ngày giỗ chị Sáu, nhân dân trên đảo vẫn thường ra đây nhang khói như một lời tri ân, tưởng nhớ về người nữ Anh hùng, người con của miền Đất Đỏ. Và bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” một lần nữa lại ngân lên “Kìa hoa Lêkima nở. Đẹp thêm quê miền đất đỏ. Nơi đó sáng mãi tên người anh hùng”.
Sau khi cây dương hai nhánh trước mộ chị Sáu chết vào năm 1993, Ban Quản lý nghĩa trang Hàng Dương đem một cây Lêkima trồng vào nơi cây dương đã chết. Nhưng rồi cây cũng chết, công ty cây xanh trên đảo lại trồng một cây Lêkima khác thay thế.
Quả Lêkima đã trở thành một biểu tượng văn hóa, gắn liền với cuộc đời của nữ anh hùng Võ Thị Sáu. |
Mùa Xuân năm 1995, ông Bí thư Huyện ủy Côn Đảo, trong chuyến công tác đã về tận quê hương chị Võ Thị Sáu ở miền Đất Đỏ, đưa cây Lêkima ra đảo trồng thế vào nơi hai cây Lêki ma đã chết. Kì diệu thay cây Lêkima của miền Đất Đỏ bám rễ ăn sâu trên cội đất Hàng Dương, trước mộ người nữ anh hùng.
14 năm sau, cây Lêkima chỉ vươn cao quá đầu người, không ra hoa kết trái. Đến năm thứ 15, cây Lêkima trước mộ chị Sáu, bỗng nở hoa ra quả bói hiếm hoi nhưng rồi, quả bói cũng rụng dần khi trái vẫn non xanh.
Đến ngày giỗ lần thứ 59 của chị Võ Thị Sáu, người ta nhìn thấy cây Lêkima nở đầy hoa, sau mùa hoa, cây Lêkima đã trổ quả mùa đầu. Thời điểm trên, đoàn du khách phát hiện ra phát hiện nhành nào cũng có quả, có những nhành hai quả, có những nhành ba quả, giấu mình sau những nách lá và chùm lá buông dày.
Người hướng dẫn viên du lịch có nói: “Quả sai như vậy, nhưng cây Lêkima đã bắt đầu rụng quả, khi trái vẫn xanh non. Còn cây trồng chỉ cao quá đầu người mà mãi mãi non tươi, như tuổi xuân của chị Sáu anh hùng mãi mãi trường tồn cùng sông núi”.
Thay lời kết
Đến đây, lời bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã đi vào lòng người với những câu ca: “Mùa hoa Lêkima nở. Ở quê ta miền đất đỏ...Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng. Đã chết cho mùa hoa Lêkima nở”… dường như vẫn vang vọng đâu đây, về loài cây gắn liền với một câu chuyện lịch sử, bất khuất, anh hùng của người phụ nữ Việt Nam.
Giá trị dinh dưỡng và câu chuyện lịch sử đó dường như vẫn đang ngày đêm thôi thúc sự nhiệt huyết khởi nghiệp nông nghiệp với quả Lêkima của vợ chồng chị Ðỗ Thị Xuân Diệu. Tin rằng, cây Lêkima sẽ được hồi sinh và phát triển bền vững trong tương lai thay cho tình trạng bị lãng quên như lâu nay trên thị trường trái cây. Cho dù, đây là loại cây được trồng rất nhiều ở Việt Nam, trải dài hầu khắp các tỉnh trên cả nước và cho trái quanh năm.
Thế Vinh