Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã gửi công văn đến cơ quan chức năng với đề xuất không tăng lương tối thiểu trong năm 2020 và giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ 1 năm/lần lên 2 - 3 năm/lần.
Bởi lẽ, mỗi lần tăng lương tối thiểu, bên cạnh việc tăng chi phí, các doanh nghiệp (DN) thủy sản còn phải mất rất nhiều công sức để tính toán, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho người lao động, gây tốn kém nhân lực, thời gian, chi phí cho DN.
Ám ảnh năng suất thấp
Vasep cho rằng tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong các năm qua là rất khiêm tốn và ở mức thấp khi so sánh với năng suất lao động bình quân của một số nước trong khu vực.
Dẫn báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam” được các tổ chức trong nước và quốc tế công bố hồi tháng 4 năm nay, Vasep cho biết trong các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo, năng suất lao động củaViệt Nam tụt lại sau với các nước so sánh (các nước có thu nhập trung bình và các nước phát triển).
Còn theo Ts. Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch Vasep, Luật Lao động còn có những quy định quá cứng nhắc, chưa sâu sát gây khó khăn cho nhiều DN sản xuất mang tính thời vụ và sử dụng nhiều lao động như thủy sản. Đơn cử như giờ làm thêm quá thấp (30 giờ/tháng, 300 giờ/năm) sẽ không thể giải quyết được lượng nguyên liệu rất lớn khi vào vụ.
Không chỉ vấn đề về năng suất, ngay như sức khoẻ của nguồn nhân lực Việt tại các DN cũng là điều đáng lưu tâm hiện nay trong bối cảnh đón nhận những cơ hội lẫn thách thức từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chia sẻ với giới DN ở Tp.HCM mới đây trong khuôn khổ chương trình Giải thưởng Việt Nam Health Award nhằm đề cao việc quản lý sức khoẻ và căng thẳng trong DN, bà Lê Tố Hải - Chủ tịch chương trình này, cho biết đang vào thời tăng tốc cho những tháng cuối năm nên các DN Việt gặp rất nhiều áp lực từ việc kinh doanh cũng như lên tinh thần, thể chất cho nguồn nhân lực.
Căng thẳng tinh thần là điều mà bà Hải lưu tâm với các DN Việt. Những nhân lực cấp trung và cấp cao như giám đốc, quản lý, trưởng phòng thì bị căng thẳng thần kinh (stress) vì các quyết định, chiến lược kế hoạch, doanh thu… Còn cấp nhân viên thì stress vì thời gian hạn hẹp của dự án, bế tắc ý tưởng, các mối quan hệ với đồng nghiệp…
“Khi một DN quan tâm đến chế độ sức khỏe, cải thiện tinh thần nhân viên thì uy tín của DN đó sẽ được nâng cao, đồng thời tăng cường khả năng thu hút được nhiều nhân lực tốt. Quan tâm sức khỏe trong môi trường làm việc là yếu tố giữ chân nhân tài, giúp DN ngày càng phát triển mạnh mẽ”, bà Hải nhấn mạnh.
Trước các FTA mới, nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng |
“Những gì thị trường cần”
Một dự báo cho thấy từ năm 2020 trở đi, trung bình mỗi năm, CPTPP sẽ tạo ra cho thị trường Việt Nam 17.000 - 27.000 việc làm mới, còn EVFTA tạo ra khoảng 18.000 - 19.000 việc làm. Mà theo đó, cơ hội việc làm sẽ chuyển dịch sang nhóm lao động trình độ cao…
Còn theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM, nhu cầu nhân lực trong 6 tháng cuối năm 2019 cần khoảng 155.000 chỗ làm việc, tập trung chủ yếu ở lao động qua đào tạo (chiếm 83,21%)
Qua khảo sát nửa đầu năm nay, trung tâm này cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động của DN ở trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ngày càng gia tăng. Trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành kinh tế - dịch vụ với nhu cầu nhân lực ở trình độ cao và yêu cầu về chất lượng lao động phải đáp ứng với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Nhóm nghiên cứu Trần Thị Thùy Dương, Lê Thị Thúy Hương (Đại học Luật Tp.HCM), cho rằng đối với thị trường lao động của Việt Nam, EVFTA có thể đem lại nhiều tác động tích cực, mà một trong những dự báo thấy rõ nhất là cơ hội việc làm cho người lao động sẽ được gia tăng, các quyền của người lao động được bảo đảm tốt hơn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu này lưu ý EVFTA đặt ra nhiều thách thức cho các DN Việt trong việc thực thi các cam kết về lao động, đặc biệt liên quan đến việc đảm bảo các nguyên tắc và quyền cơ bản của người lao động quy định trong các Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Chưa kể, bên cạnh các FTA mới, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 được đánh giá là sẽ tác động đến việc làm của nhân lực Việt, khi mà có đến 86% lao động chân tay Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt là vấn đề được các chuyên gia đặc biệt lưu ý nhằm giảm thiểu thách thức và tận dụng các FTA thế hệ mới, nhất là cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Lao động cho tương thích với các FTA thế hệ mới, như EVFTA và CPTPP.
Đồng thời, việc giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới, gắn kết với DN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt để đáp ứng các FTA mới và cuộc CMCN 4.0. Điều lưu ý là nên chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần” và hướng tới chỉ đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”
Thế Vinh