Theo Gs.Ts Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, hơn 50% lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch hiện nay không biết ngoại ngữ. Điều này cho thấy trình độ, chất lượng lao động cho ngành du lịch cần cải thiện nhiều, nhất là trong bối cảnh khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng 25-30% hàng năm.
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm khoảng 43% tổng số lao động du lịch. Đáng lưu ý, số lao động chưa tốt nghiệp THPT chiếm tới 30% tổng số lao động du lịch. Điều này dẫn đến hệ quả là năng suất lao động du lịch Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/11 Nhật Bản, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Theo thống kê của của cơ quan chức năng, Việt Nam hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch, gồm: 65 trường đại học (ĐH) có các khoa du lịch, 55 trường cao đẳng (CĐ), 71 trường trung cấp (TC) và 4 trung tâm đào tạo nghề với 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch.
Hàng năm, có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo du lịch, trong đó số sinh viên tốt nghiệp hệ ĐH, CĐ chuyên nghiệp khoảng 1.800 người.
Về lực lượng giảng viên, cả nước hiện có trên 2.000 giáo viên, giảng viên du lịch và cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp; 2.579 đào tạo viên du lịch đã được cấp chứng chỉ. Trong số này mới chỉ có 2 Gs, 11 PGs, 36 Ts, 210 Ths và 5 chuyên gia, nghệ nhân.
Nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nên chất lượng dịch vụ bị hạn chế là điều tất yếu.
PGs.Ts Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Trường ĐH Công nghệ Tp.Hồ Chí Minh, nêu thực tế việc giảng dạy ngành du lịch tại Thái Lan: “Mẫu máy bay họ áp dụng dạy thực hành cho sinh viên rất mới, thậm chí phải một thời gian ngắn sau thì các hãng hàng không mới đưa vào khai thác chính thức. Trong khi đó, ở Việt Nam, hầu hết các trường cho sinh viên thực hành trên các thiết bị lạc hậu, lỗi thời, như vậy làm sao sinh viên ra trường có thể bắt nhịp ngay với thực tiễn khai thác của doanh nghiệp (DN)?”…
Hiện, các DN đang rất cần nhân lực có chất lượng, nhưng hầu hết cử nhân ra trường, DN đều phải đào tạo lại. Việc các trường đào tạo không đáp ứng kỳ vọng của DN đã gây lãng phí tiền của, thời gian và công sức.
Trưởng bộ phận Nhân sự khách sạn Sunrise Nha Trang Lê Thị Thu Ngân cho biết, hàng năm đơn vị tiếp nhận gần 100 sinh viên tại các trường về thực tập, sau đó nhận vào làm việc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn là các em tìm việc ở nơi khác. Sinh viên coi khách sạn như “trạm dừng chân” để học tập kinh nghiệm, làm đẹp hồ sơ rồi tìm kiếm cơ hội hấp dẫn hơn, ứng tuyển những vị trí cao hơn tại nơi khác.
Đẩy mạnh đào tạo gắn với thực hành nghề và đào tạo kỹ năng |
Đào tạo phải là gốc
Giám đốc công ty Du lịch Hoàn Hảo Lại Thế Công chia sẻ, DN cần nguồn nhân lực chất lượng, cơ sở đào tạo cho ra đời hàng ngàn sinh viên mỗi năm nhưng vẫn có khoảng “chênh” so với nhu cầu sử dụng. Do vậy, hầu hết cử nhân về làm việc nhưng DN phải đào tạo lại mới có thể sử dụng được.
Đồng quan điểm, PGs.Ts Nguyễn Quyết Thắng nhấn mạnh đào tạo du lịch hay bất cứ đào tạo ngành nghề gì đều phải có mô phỏng, thực hành, không nên lý thuyết suông. Nhà trường phải là nòng cốt đào tạo kiến thức, còn DN khi sử dụng sinh viên ra trường chỉ cần đào tạo kỹ năng và văn hóa DN. Việc DN phải đào tạo lại là một câu chuyện hết sức lãng phí và đáng buồn của công tác đào tạo.
Trước thực tế mà các DN du lịch, lữ hành, khách sạn nêu, Ts Lê Thị Mỹ Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, giãi bày: Hàng năm, nhà trường đã mời các DN du lịch cùng với nhà trường thảo luận, tìm ra những nội dung đào tạo sao cho thiết thực, hiệu quả nhất. Nhà trường luôn lắng nghe, điều chỉnh và thậm chí nâng cao tiêu chuẩn đầu ra cho sinh viên. Vậy nhưng giữa đào tạo lý thuyết với việc sử dụng lao động vẫn còn khoảng chênh nhất định.
Muốn khắc phục được hạn chế nguồn nhân lực trong du lịch, trước hết cần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực là đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ nhằm gắn kết giữa nhà trường với DN, đẩy mạnh đào tạo gắn với thực hành nghề và đào tạo kỹ năng.
Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo du lịch cần chủ động, có chính sách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, thực hành, thực tập của sinh viên ngành du lịch.
Đặc biệt, Chính phủ nên có cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo như cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ chuyên gia tư vấn, tổ chức tập huấn nghề cho giáo viên, giảng viên, đồng thời tăng cường công tác đào tạo kỹ năng, kiến thức cho sinh viên như: ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sáng tạo, dịch vụ khách hàng…, để sau khi ra trường, các em có thể tự tin, chủ động phát huy được khả năng trong môi trường hội nhập.
Lê Hòa – Hà Nam