Mới đây, CTCP thực phẩm dinh dưỡng NutiFood cho biết trang trại bò sữa của họ sau 2 năm tiếp quản từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang có thành quả khá ấn tượng khi cho ra nguồn sữa tươi chất lượng cao vượt trội 3.5g đạm – 4.0g béo trong 100ml, tương đương chất lượng sữa tươi ngoại nhập.
“Thế lực” mới ở ngành sữa
Với kết quả đạt được, có thể nói đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp (DN) Việt có được nguồn sữa tươi chất lượng tương đương với chuẩn cao thế giới.
Để đạt được thành quả như vậy, trang trại bò sữa đã hội đủ 6 yếu tố ưu việt nhất: Đất sạch – Không khí sạch – Nước sạch – Cỏ sạch – Nhiệt độ mát 21-25oC – Sản lượng 25 lít sữa/ngày/con bò (không khai thác ở mức tối đa để đảm bảo sữa có chất lượng tốt nhất).
Trang trại bò sữa của DN Việt đang có thành quả khá ấn tượng khi cho ra nguồn sữa tươi tương đương chất lượng sữa tươi ngoại nhập. |
Với diện tích rộng trên 1.000 héc-ta, trang trại bò sữa này được ví như “ngôi nhà xanh” của hơn 7.000 bò sữa và bê con. Tất cả bò sữa ở đây đều được nuôi theo quy trình thuận với tự nhiên, thời gian ngủ và nghỉ được cân đối hợp lý.
Lượng sữa tươi thu hoạch thấp hơn sản lượng cung cấp trung bình của mỗi con bò, 25 lít thay vì 28 lít/ngày để bảo đảm chất lượng sữa tươi và quá trình tái tạo sữa được tốt nhất.
Đánh giá về trang trại bò sữa nêu trên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Đây là một trong những thành tố rất quan trọng để chúng ta bước chân vào thị trường Châu Âu, đặc biệt trong thời điểm EVFTA có hiệu lực. Bộ NN&PTNT đánh giá cao thành quả này. Đó là niềm tự hào của ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và ngành sữa nói riêng”.
Có thể thấy, để phát triển được vùng nguyên liệu bò sữa như vậy thì vai trò của DN là rất lớn nhằm có đầy đủ “điều kiện cần” để vươn mình trở thành một “thế lực” ở ngành sữa trong khu vực cũng như thế giới.
Thực tế cho thấy, hàm lượng chất đạm và chất béo trong sữa tươi của các thương hiệu lớn trên thế giới thường đạt ở mức từ 3.4g đến 4.0g. Đối với các sản phẩm sữa tươi nguyên chất nội địa tại Việt Nam, theo bà Ngô Thị Diễm Trang, Phó Giám đốc Công ty Nghiên cứu Thị trường Ipsos tại Việt Nam, hàm lượng đạm đang ở mức từ 2.9g đến 3.2g, còn hàm lượng chất béo từ 3.2g đến 3.9g trong 100ml sữa.
Do đó, việc có các sản phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn tương đương sữa tươi ngoại nhập và có sự chủ động về vùng nguyên liệu sản xuất sữa tươi ở trong nước là rất cần thiết. Điều này đòi hỏi sự đầu tư, nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật nông nghiệp cao của DN Việt cho hoạt động chăn nuôi và sản xuất sữa tươi.
Cuộc chơi của những nhà chăn nuôi “chuyên nghiệp”
Giới chuyên gia nhấn mạnh tương lai của ngành chăn nuôi bò sữa nói riêng hay ngành chăn nuôi nói chung rất cần vùng nguyên liệu như vậy để tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới mà EVFTA là một điển hình. Tức là, vùng nguyên liệu đó phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đạt tiêu chuẩn cao của quốc tế vừa phải tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn mang lại hiệu quả cao hơn cho người chăn nuôi.
Theo Ts. Võ Trọng Thành (Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT), chuỗi liên kết DN và nông dân chăn nuôi bò sữa là rất cần thiết trong lúc này. Trong đó, DN ký hợp đồng với nông dân bò sữa để tạo vùng nguyên liệu chuẩn, thu mua sữa, chế biến và phân phối ra thị trường.
Đơn cử như mô hình liên kết khép kín từ chuỗi sản xuất đến chế biến và phân phối. Chẳng hạn như TH True Milk thực hiện các khâu từ chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và phân phối ra thị trường.
Hoặc như mô hình liên kết xuất khẩu gà thịt, mô hình chuỗi giá trị của công ty Hùng Nhơn ở tỉnh Bình Phước với DN nước ngoài như De Hues với Bel Gà Koyu & Unitek. Trong đó, Bel gà cung cấp giống, De Heus cung cấp thức ăn, còn phía Hùng Nhơn sẽ là đại diện các trang trại chăn nuôi gà. Còn Koyu & Ubitek là phía thu mua, giết mổ và xuất khẩu.
Ông Thành cho rằng ngành chăn nuôi Việt Nam đang có lợi thế là môi trường đầu tư khá thuận lợi, nhất là chính sách của Nhà nước khuyến khích DN, tổ chức, cá nhân đầu tư vào ngành chăn nuôi (ưu đãi về thuế).
Về thiết bị chuồng trại thì các công nghệ hiện đại cũng đã được chuyển giao và người chăn nuôi Việt Nam cũng đã tiếp cận tốt. Đối với thức ăn chăn nuôi thì các công ty thức ăn chăn nuôi đang phát triển mạnh mẽ, chất lượng thức ăn chăn nuôi đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất.
Nhận định về triển vọng cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong những năm tới, ông Thành nhận định số lượng trang trại chăn nuôi sẽ tăng lên, sản lượng chăn nuôi từ trang trại sẽ chiếm khoảng 70 - 75% tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ sẽ giảm mạnh (giảm 5 - 7%/năm), và đến năm 2028 thì sản lượng từ trong nông hộ chỉ còn dưới 30%.
Theo ông Thành, ngành chăn nuôi chủ yếu sẽ là cuộc chơi của những nhà chăn nuôi “chuyên nghiệp”. Do đó, thời điểm này rất cần sự hợp tác, liên kết chuỗi thông qua hợp đồng chính thức giữa chăn nuôi - giết mổ - bán lẻ, nhằm giúp phát triển ngành mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Thế Vinh