Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh điều này tại hội thảo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, sáng 15/9.
Tạo sinh kế cho 6,5 triệu hộ
Báo cáo tình hình phát triển chăn nuôi thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi Việt Nam luôn phát triển với tốc độ cao, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp có xu hướng tăng nhanh, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Hội thảo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040. |
Giai đoạn 2008-2018, sản lượng thịt các loại tăng 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần 5,0 tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).
Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu, như: thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa... khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi trong nước với khu vực và trên thế giới.
Ông Tiến cho biết, nhiều lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới, như: chăn nuôi lợn đứng vị trí thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á...
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 - 6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế đầu tư lớn trong phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ngành chăn nuôi đang còn bộc lộ không ít tồn tại, bất cập như chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, công tác quản trị kém làm giảm năng suất và tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi; Công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường vẫn còn nhiều bất cập; Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ trọng thấp; nhiều vật tư chăn nuôi, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất chăn nuôi trong nước.
Trong khi đó, nhu cầu thực phẩm về các sản phẩm chăn nuôi trong nước và các nước trong khu vực tiếp tục tăng cao trong thời kỳ tới. Dự kiến, đến năm 2030, dân số nước ta gần 107 triệu người, mức thu nhập trên 10.000 USD và ít nhất 50 triệu khách du lịch quốc tế đến thì Việt Nam sẽ là thị trường lớn về sức tiêu dùng thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi.
Đưa ngành chăn nuôi Việt Nam vào tốp đầu ASEAN
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong giai đoạn vừa qua, ngành chăn nuôi còn nhiều tồn tại, tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối. Trên thực tế, ngành chăn nuôi có tăng trưởng nhưng cứ tăng lên là phải giải cứu vì không liên hoàn chuỗi.
Điểm tồn tại nữa mà Bộ trưởng NN&PTNT đề cập là các sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa xuất khẩu được nhiều. Trong ngành nông nghiệp, có lẽ "soi kính hiển vi" cũng không nhìn thấy sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu.
"Sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu nhìn đi nhìn lại mỗi mật ong, trứng muối, lợn sữa. Đây là tồn tại mà chúng ta phải nhìn nhận. Thời gian tới, ngành cần phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu, đây là áp lực cần thiết để từng ngành hàng tái cơ cấu có chủ đích, định hướng cụ thể".
Từ những lý do trên, Bộ NN&PTNT cho rằng việc ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 là phù hợp và rất cần thiết.
Theo đó, đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi của Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Đến năm 2040, chăn nuôi của Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm đầu của các nước khu vực ASEAN.
100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.
Dự thảo chiến lược đưa ra 10 nhóm giải pháp chính để phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới như: Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; Khuyến khích phát triển mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã...
Lê Thúy