Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn, so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.
Đề xuất công bố giá lúa định kỳ
Cùng với đó là xu hướng phát triển các diện tích sản xuất lúa chất lượng cao cũng giúp giá gạo bán ra của người nông dân được nâng lên. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Green Stars, chia sẻ thời gian vừa qua, doanh nghiệp cùng với cơ quan quản lý ngành nông nghiệp một số tỉnh, thành triển khai vùng sản xuất lúa an toàn không dư lượng. Qua thời gian thực hiện tại các tỉnh khác nhau và các vụ canh tác khác nhau thì chi phí đầu tư của bà con nông dân bình quân giảm 10-15% tùy vào từng vùng canh tác, từng vụ; và bình quân lợi nhuận của bà con tăng 8-10%.
Đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương công bố giá lúa định kỳ để tránh thương lái gây nhiễu loạn thị trường. |
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Green Stars cũng cho hay trong quá trình thực hiện có những khó khăn tương đối giống nhau qua các vùng canh tác như: thói quen canh tác truyền thống khó thay đổi để chuyển từ sử dụng các sản phẩm hóa chất sang các chế phẩm sinh học để bảo vệ sức khoẻ và môi trường.
Bên cạnh đó, việc thu mua sản phẩm đầu ra cho bà con còn khá là khó khăn, chưa ổn định do chưa có doanh nghiệp mạnh dạn đứng ra bao tiêu hoặc diện tích canh tác nhỏ lẻ dẫn đến phải bán ra bên ngoài cho thương lái.
"Mong muốn của công ty được gắn kết với các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu lúa gạo để tạo niềm tin và ổn định cho bà con nông dân yên tâm sản xuất tạo vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao cho thị trường và xuất khẩu", ông Tuấn đề xuất.
Trong khi đó, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ nêu thực trạng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều, đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua bên trung gian như thương lái.
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.
Do đó, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công T hương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.
Kiến nghị Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo
Bên cạnh đó, ngành lúa gạo Việt Nam cũng đang gặp khó do những thay đổi từ thị trường Trung Quốc. Ông La Vân Phi, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed, cho biết yêu cầu kiểm dịch nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng sang Trung Quốc ngày càng khắt khe và liên tục bổ sung.
Ông Phi khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cần liên tục cập nhật yêu cầu kiểm dịch, bao bì, nhãn mác,… từ Hải quan Trung Quốc và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng nông sản lên tới cửa khẩu lại phải quay đầu vì không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Liên quan đến phân khúc sản phẩm xuất khẩu, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed cho rằng, tuy các sản phẩm cao cấp đang có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng sản phẩm lúa gạo phổ thông vẫn chiếm nhu cầu chính trong thị phần tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để phát huy thế mạnh từng nhóm sản phẩm theo từng phân khúc khác nhau để chinh phục thị trường Trung Quốc.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn giữ được đà tăng trưởng trong xuất khẩu gạo (năm sau cao hơn năm trước), trong bối cảnh lạm phát và bất ổn về kinh tế, Việt Nam đang hướng tới mốc 7 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong năm nay.
Về thị trường, ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Quốc gia đông nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,… Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc, nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định.
Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu không có cơ hội để gian dối trong hoạt động này. Mỗi năm, Trung Quốc cần nhập khoảng 5,3 triệu tấn. Trước kia, Việt Nam xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn, nhưng nay, số lượng sẽ giảm đi. Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp.
Cùng với đó, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, nhấn mạnh bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhờ hạn ngạch xuất khẩu lớn. Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật,… của thị trường nhập khẩu.
Nhật Linh