Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 6263/VPCP-KTTH ngày 21/9/2022 về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Công văn nêu rõ, theo thông tin Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm (có hiệu lực từ sau ngày 15/9/2022).
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành có giải pháp ổn định thị trường trước lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ. |
Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ). Nguyên nhân chính là do Chính phủ Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về nguồn cung suy giảm và lạm phát giá lương thực…
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Công Thương, Tài chính nghiên cứu các phản ánh tác động để theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các Bộ.
Phân tích tác động của lệnh cấm trên, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết Việt Nam có thể tận dụng việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu để đẩy mạnh bán gạo Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang là đối tác nhập khẩu một số loại gạo của Ấn Độ. Hiện, Việt Nam đang là quốc gia nhập khẩu mặt hàng gạo ngon của Ấn Độ như gạo Basmati - loại lúa gạo mà Việt Nam không trồng được, giá có thể lên tới 1.500 USD/tấn. Vì vậy, Việt Nam cần phải quan sát các động thái tiếp theo của Ấn Độ.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Bộ NN&PTNT dự báo xuất khẩu gạo trong năm nay có thể đạt khối lượng từ 6,5 - 6,7 triệu tấn, với kim ngạch dao động từ 3,2 - 3,3 tỷ USD.
Thy Lê