Theo Tổng Cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu xuất gạo của Việt Nam ước đạt 5,443 triệu tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 vượt kế hoạch đề ra.
Chưa tận dụng được cơ hội
Vậy nhưng khó khăn trong sản xuất cũng như giá đầu ra đang khiến nhiều nông dân, HTX không mặn mà với cây lúa và phải có những tính toán khác cho phù hợp hơn.
HTX Nông nghiệp An Nhứt (Bà Rịa Vũng Tàu) có 222 ha chuyên để sản xuất lúa 3 vụ. Nếu như mọi năm, thời điểm này, HTX đã sản xuất vụ 3 hơn một tháng. Vậy nhưng với giá lúa bán ra khoảng 5.000 đồng/kg nên 100% thành viên HTX chấp nhận bỏ vụ 3. Thay vào đó, thời điểm này HTX đang chuẩn bị cải tạo đất để xuống giống vụ Đông Xuân (2022-2023) sớm.
Ông Trịnh Văn Ngang, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Tâm (Bạc Liêu) cho biết, diện tích sản xuất lúa 3 vụ của HTX là 210ha. Do vụ lúa hè thu vừa qua giá bán thấp, chi phí đầu tư sản xuất lúa ở mức cao nên thành viên bị lỗ. Chính vì vậy mà 100% thành viên HTX thống nhất không gieo sạ vụ Thu Đông.
Hiện, chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng nhìn chung, tình trạng người dân, HTX bỏ vụ sản xuất, để đất hoang không hiếm gặp. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lúa thấp khiến người trồng lúa không có lãi.
Phân tích về lời lỗ của sản xuất lúa, ông Trần Minh Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp (Trà Vinh) cho biết, tính giá lúa 5.800 đồng/kg, lợi nhuận bà con sẽ giảm 20%, chỉ còn khoảng 200.000 đồng/công cho vụ lúa 3 tháng. Đó là chưa kể công sức bản thân và gia đình bỏ ra trong cả một vụ mùa, tiền nộp thuế, khoán. “Nếu hộ nào, HTX nào đi thuê đất thì coi như lỗ càng thêm lỗ”, ông Thuần nói.
Người dân, thành viên HTX chưa được hưởng lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo. |
Theo các chuyên gia, tình trạng người dân bỏ ruộng trong khi giá vật tư đầu vào, giá thành sản xuất lúa gạo tăng không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu loại nông sản này. Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam đang cao.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, giá gạo XK 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới là khoảng 348 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 418 USD/tấn. Cả 2 loại gạo đều tăng 10 USD chỉ trong vòng 10 ngày trước đó.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo đang tăng xuất phát từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khủng hoảng Nga-Ukraine cộng thêm hạn hán lan rộng khắp toàn cầu làm thiếu hụt lương thực đã đẩy nhu cầu dự trữ gạo của các nước trên thế giới tăng cao. Đi liền với đó là giá gạo xuất khẩu ở mức lạc quan.
Mục tiêu đặt ra năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt khoảng 6,5-6,7 triệu tấn. Tuy nhiên theo ông Phạm Thái Bình rất khó để đạt mức XK 6,7 triệu tấn bởi không còn nguồn cung. Một phần là do nhu cầu trong nước tăng cao, một phần là diện tích sản xuất bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Quang Hòa, đại diện Công ty xuất khẩu gạo Dương Vũ (Dương Vũ Rice) - cho biết nếu như thời điểm tháng 8 giá gạo nếp chỉ 480 USD/tấn, thì hiện đã tăng 90 USD/tấn nhưng doanh nghiệp này cũng không còn hàng để bán. Nguyên nhân bởi từ năm năm ngoái đến đầu năm nay giá nếp rẻ nên nông dân, HTX giảm diện tích trồng, hoặc trả đất cho chủ ruộng khiến sản lượng sụt giảm.
Cho người dân thu nhập cao?
Việc nông dân, HTX giảm diện tích đang đánh mất nhiều cơ hội xuất khẩu gạo, trong khi lúa gạo được đánh giá là trụ cột kinh tế của Việt Nam. Băn khoăn về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời đặt câu hỏi: Thực chất lợi nhuận người sản xuất lúa không tăng trong thời gian dài. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là ở đâu, ai đã lấy đi lợi nhuận của người nông dân? Trong khi các doanh nghiệp cung ứng đầu vào cho sản xuất lúa đều “ăn nên làm ra”?.
Theo các chuyên gia, muốn người dân, HTX gắn bó với cây lúa, trước tiên các bộ ngành và các tỉnh, thành phải xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả lộng hành, phần nào giảm giá thành sản xuất và nâng chất lượng lúa, từ đó tạo thế mạnh cạnh tranh trong xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, cần hướng nông dân tiếp cận sản xuất lúa gạo thích ứng với thị trường, và giúp người dân, HTX nâng cao năng lực bán hàng.
TS. Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, cho biết từ trước đến nay, việc sản xuất thường được hiểu là thuộc về ngành nông nghiệp, việc tiêu thụ kinh doanh là của ngành công thương. Điều này vô tình đã có sự cắt khúc trong việc hình thành, phát triển và xây dựng chính sách quản lý chuỗi.
“Chuỗi hình thành, phân phối sản phẩm như thế nào mà khâu bán thuốc sâu, dịch vụ, thương lái, xuất khẩu... đều giàu, trong khi chỉ người nông dân, HTX trực tiếp sản xuất ra hạt thóc lại vẫn khó khăn. Bản chất điều này là ở đâu? Vấn đề này cần phải có những khảo sát, điều tra cụ thể hơn”, ông Dũng nói.
Đặc biệt, hiện nay đang chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Chính vì vậy, cần tập trung giúp người nông dân, HTX vừa sản xuất vừa tham gia thị trường. Khi họ biết bán hàng, biết marketing sẽ giảm bớt các khâu trung gian, tăng doanh thu, lợi nhuận.
Mặt khác trong sản xuất, có các khâu mà đáng lẽ người dân, thành viên HTX được hưởng lợi nhuận nhưng lại thuộc về người khác. Chính vì vậy, điều quan trọng là làm sao để nông dân, thành viên HTX không đơn thuần chỉ là chủ thể trong sản xuất của nông nghiệp, mà họ phải được tham gia các phân khúc khác để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, như khâu đầu vào vật tư nông nghiệp, dịch vụ, xay xát, chế biến, tiêu thụ… Điều này cần nhiều đến cơ chế chính sách, chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề nghiên cứu, định hướng.
Huyền Trang