Cách đây gần 3 năm, trước mối lo về ô nhiễm môi trường đối với ngành giấy, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã bác đề xuất của Công ty TNHH Giấy Lee & Man (Hong Kong - Trung Quốc) muốn nâng công suất nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp của họ ở xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, Hậu Giang (nằm ngay bên bờ sông Hậu) từ 420.000 tấn/năm lên 1,42 triệu tấn/năm.
Ai đang đồng thuận?
Mặc dù vậy, Bộ TN&MT có yêu cầu địa phương và phía doanh nghiệp (DN) nêu trên hoàn thiện các điều kiện nâng công suất nhà máy, tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến các địa phương xung quanh nhà máy giấy.
Các cơ quan quản lý cần tỉnh táo trước đề xuất nâng công suất từ 420.000 tấn/năm lên 1,1 triệu tấn/năm của Công ty TNHH Giấy Lee & Man. |
Năm 2020 vừa rồi, trong quá trình tham vấn lấy ý kiến, trong khi tỉnh Hậu Giang tỏ rõ quan điểm đồng thuận với đề xuất nâng công suất nhà máy giấy này thì một số địa phương ở hạ lưu sông Hậu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (gồm Tp.Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng) lại bày tỏ sự không đồng thuận, yêu cầu cân nhắc kỹ về vấn đề môi trường, và thậm chí là thẳng thừng từ chối (như tỉnh Sóc Trăng).
Vụ việc tiếp tục “nóng” khi ngày 8/11/2021, UBND tỉnh Hậu Giang có thông báo kết luận của Chủ tịch tỉnh với đề nghị Công ty TNHH Giấy Lee & Man cân nhắc việc đề xuất đầu tư nâng công suất từ 420.000 tấn/năm lên 1,1 triệu tấn/năm.
Ngoài việc tỉnh Hậu Giang yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh đánh giá mức độ đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước, chú trọng môi trường, nguồn nguyên liệu, điểm lo ngại nhất từ thông báo này là “nếu đảm bảo các yêu cầu theo quy định, khẩn trương tổng hợp tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Giấy Lee & Man nâng công suất”.
Nhiều ý kiến cho rằng sản xuất giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường cao, cho nên tỉnh Hậu Giang không cần phải “khẩn trương” hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương mở rộng công suất của nhà máy giấy khi mà một số địa phương ở hạ lưu sông Hậu chưa có sự đồng thuận.
Không những vậy, quy hoạch ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025, khu vực ĐBSCL được quy hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy và bột giấy là 330.000 tấn/năm và giấy là 420.000 tấn/năm. Cho nên, việc mở rộng công suất như nêu trên rõ ràng là chưa phù hợp với quy hoạch đã đề ra trước đó.
Cần nhắc thêm, các DN thủy sản hiện nay vẫn rất lo ngại đề xuất nâng công suất lên lên 1,1 triệu tấn/năm của nhà máy giấy ở có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhất là khi nhà máy này được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn.
Lo "bức tử" sông Hậu
Vì vậy nếu lượng xút này đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này.
Giới chuyên gia lưu ý, nhà máy giấy này vốn dĩ nằm ngay sát ven sông Hậu đã là rất nhạy cảm với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không những vậy, trong trường hợp phát sinh sự cố hoặc bể chứa nước thải của nhà máy bị rò rỉ, nước thải sẽ tràn trực tiếp xuống sông Hậu. Ước tính, nếu bị rò rỉ nước thải chưa qua xử lý trong 24 giờ sẽ ảnh hưởng đến 600 ha rừng ngập mặn và trên 4.000 ha đất nuôi trồng thủy hải sản.
UBND tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra một loạt vấn đề phản biện trong chuyện nâng công suất này. Đặc biệt là cảnh báo tình huống xấu nhất nếu sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, đồng thời dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội và lao động sản xuất.
Hơn thế nữa, tác động của việc sử dụng nước và xả thải của nhà máy giấy đối với sông Hậu và vùng Tây sông Hậu sẽ lớn nhất vào mùa khô. Nếu nhà máy nâng công suất thì tác động sẽ càng lớn thêm.
Ngay cả việc sử dụng hoá chất của các nhà máy giấy cũng là một thách thức lớn khi có thể tạo ra những chất hữu cơ cực độc và gây ung thư, diễn ra một chuỗi tác động liên hoàn nếu như nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo giới chuyên gia, các nhà máy giấy sinh ra một lượng lớn nước thải từ quá trình sản xuất, thành phần nước thải của ngành này có độc tính rất cao. Chính vì vậy, đây là lúc cần hết sức cân nhắc trước đề xuất nâng công suất lên 1,1 triệu tấn của Công ty TNHH Giấy Lee & Man đến từ Hồng Kông - Trung Quốc.
Mặc dù doanh thu của Công ty Lee & Man hồi năm ngoái đạt hàng ngàn tỷ đồng, lại đang tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Tuy nhiên, trước nỗi lo sông Hậu bị bức tử đang đòi hỏi chính quyền tỉnh Hậu Giang cần hết sức tỉnh táo, thận trọng, không vì mối lợi từ nhà máy giấy mà đánh đổi nguồn lợi thuỷ sản ở ĐBSCL, vốn đang chiếm trên 70% diện tích nuôi trồng và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.
Một khi dòng sông Hậu bị ô nhiễm, sẽ dẫn đến tận diệt nguồn tôm cá và ảnh hưởng không nhỏ đến vựa lúa của miền Tây. Hậu quả nhãn tiền từ những nhà máy giấy ở trong nước và trên thế giới gây phát thải dioxin và các chất giống dioxin là điều mà các cơ quan quản lý cần lưu tâm nếu không muốn ĐBSCL trả giá đắt.
Thanh Loan