Phát biểu tại cuộc họp thường trực Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành mía đường sáng 18/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nhà nước quyết tâm, có giải pháp ủng hộ ngành mía đường cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường mà yêu cầu ngành phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chấp nhận sự đào thải các doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh.
Ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Ảnh: Internet) |
Thủ tướng đánh giá, dù tâm huyết, trách nhiệm với 41 nhà máy đường, 400.000 hộ nông dân trồng mía, nhưng ngành mía đường chưa quyết liệt tổ chức lại trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Thủ tướng cho biết năm 2018 đã có buổi làm việc với ngành và đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, niên vụ năm 2018-2019 có 17/38 doanh nghiệp có khả năng mất vốn chủ sở hữu. Giá thu mua mía nguyên liệu giảm từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn, ở mức từ 700.000 – 800.000 đồng/tấn, ngang với giá thành. Hiện có 7 nhà máy đường đã dừng hoạt động… |
Về thách thức đối với ngành mía đường hiện nay, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, không chỉ tham gia ATIGA mà 12 hiệp định thương mại tự do khác. Do đó, vấn đề đặt ra chính là nhận thức rõ các thách thức này để sản xuất phải gắn với thị trường. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây khô hạn ở các vùng nguyên liệu. Tình trạng gian lận thương mại, thể chế chưa hợp lý đối với nhập khẩu đường thô, đường lỏng chưa phù hợp. Tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tổ chức sản xuất của ngành mía đường chưa thành công.
Đặt vấn đề chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế tự cường, thị trường đường trong nước lớn nên không thể phụ thuộc vào nước ngoài, Thủ tướng nêu rõ, chủ trương của Chính phủ là sắp xếp, tổ chức lại ngành mía đường trong nước.
Chính phủ không đồng ý để gia hạn ATIGA, Thủ tướng nhấn mạnh một tinh thần đối với ngành mía đường Việt Nam là sẵn sàng cạnh tranh và cạnh tranh thắng lợi. Cho biết sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ có Chỉ thị của Thủ tướng với các giải pháp đối với ngành mía đường, nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu bản thân các doanh nghiệp mía đường cũng phải sắp xếp, tái cơ cấu, chấp nhận việc đào thải các doanh nghiệp yếu kém.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam việc giao các cơ quan chức năng có các biện pháp về phòng vệ thương mại không trái quy định quốc tế, chống bán phá giá đối với đường lỏng và một số mặt hàng khác, tăng cường chống buôn lậu đường, chống gian lận thương mại; phê duyệt giá điện từ mía một cách phù hợp...
Đ.N