Theo đánh giá, trong những năm qua, nhận thức của xã hội, người dân, HTX, doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp đang có những chuyển biến tích cực. Số lượng người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng, các chính sách hỗ trợ cho thấy hiệu quả cao...
Đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa với nhiều cơ hội song hành thách thức, giáo dục nghề nghiệp ở nước ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất – kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
Các chương trình đào tạo nghề cần đổi mới liên tục theo yêu cầu của quá trình hội nhập. |
Trong buổi Hội thảo trực tuyến về xác định ngành, nghề đào tạo và kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức mới đây, ông Trương Ngọc Hoàng, Giám đốc công ty TNHH Festo, cho rằng nếu cơ sở Giáo dục nghề nghiệp có nền tảng hạ tầng tốt cộng thêm chú trọng thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy thì sinh viên sẽ đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, HTX.
Ông Hoàng nêu dẫn chứng, với nghề cơ điện tử, chương trình cần phải bổ sung mô đun về công nghệ thông tin, các sinh viên phải được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng về tự động hóa, số hóa, bảo mật thông tin.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Giám đốc Akachan thuộc FPT Software cho rằng, thời điểm hiện nay, chương trình đào tạo trong lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI cần chú trọng đào tạo các kiến thức nền tảng như xác suất thống kê, mạng máy tính, an ninh mạng…
“Doanh nghiệp cần cơ sở đào tạo tập trung vào phần kiến thức, kỹ năng nền tảng vì đào tạo sâu về công nghệ rất khó, tuy nhiên, cơ sở đào tạo cần kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức các buổi chia sẻ, giới thiệu về công nghệ”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là các điều kiện về chương trình, giáo trình, về cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp với đặc thù ở Việt Nam và tiếp cận các nước trong ASEAN-4 cũng như các nước phát triển trong nhóm G20.
Nâng cao năng lực giảng dạy
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, có sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động là doanh nghiệp, HTX.
Đồng thời, đổi mới tổ chức đào tạo, áp dụng công nghệ đào tạo tiên tiến của các nước phát triển, ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong dạy – học, quản lý đào tạo. Đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá, trong đó khuyến khích sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp trong đánh giá kết quả đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cập nhật những kỹ năng giảng dạy mới cho đội ngũ giảng viên cũng là yêu cầu cấp thiết trong giáo dục nghề nghiệp. |
Cùng với những đổi mới về chương trình giảng dạy, vấn đề đào tạo công nghệ mới cho nhà giáo để nhà giáo đào tạo lại cho người học cũng cần được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng hơn trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong đó, cần đẩy mạnh công tác cử đội ngũ giáo viên đi thực tiễn tại các doanh nghiệp, HTX để cập nhật công nghệ. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho không chỉ giáo viên mà cả sinh viên để các em cập nhật được công nghệ mới ở nơi làm việc…
Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ngoài các yếu tố như đầu vào, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất trang thiết bị, quản trị nhà trường thì đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt, quyết định.
Nhận thức được điều này, trong chiến lược phát triển dạy nghề với chín giải pháp thì giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo đóng vai trò trọng tâm. Theo đó, đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cần được sắp xếp lại theo hướng tăng quy mô, có cơ cấu cân đối và đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Trong thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã được nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức quốc tế Pháp ngữ hỗ trợ giúp đỡ về việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo phương pháp tiếp cận năng lực.
Trong thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tích cực phối hợp với các ban ngành chức năng, các cơ sở đào tạo để đẩy mạnh đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, cập nhật những kỹ năng mới cho giáo viên, sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Lệ Chi