Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT vừa đồng chủ trì: Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với 63 tỉnh, thành phố. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, hội nghị này thể hiện quyết tâm của Bộ NN&PTNT để bấm nút khởi động chuyến tàu chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. "Đây có lẽ cũng là chuyến tàu cuối cùng, chúng ta dứt khoát không thể lỡ được. Lỡ chuyến tàu là có tội với hàng triệu bà con nông dân, là thiếu trách nhiệm với tương lai của nền nông nghiệp", ông Hoan khẳng định.
Nông dân mong đưa nông sản lên sàn online
Những tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 xảy đến đã khiến nhiều mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch như su hào, bắp cải, cà rốt, ổi, mận, xoài, khoai lang tím, hành tím, vải thiều... gặp khó khăn về đầu ra.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần thiết lập giải pháp chuyển đổi số nắm bắt thông tin trường, giữa HTX với đơn vị phân phối. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kho dữ liệu để cập nhật thường xuyên cho hệ thống phân phối biết ở tỉnh này sẽ chuẩn bị sản lượng nông sản chừng ấy, để hệ thống phân phối chủ động kho bãi, vận chuyển, xúc tiến tiêu thụ.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp như một chuyến tàu mà người làm nông nghiệp không được phép bỏ lỡ. |
Trên thực tế đây cũng là mong mỏi của hàng triệu nông dân, HTX. Từ thành công của trái vải thiều khi đưa lên được sàn thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX Hải Dương bày tỏ trăn trở với các cơ quan chức năng rằng làm sao để nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh Hải Dương có thể tiếp cận được các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo... "Sản phẩm của nhiều HTX nghiệp ở tỉnh Hải Dương vẫn đang phụ thuộc vào thương lái về thu mua là chính, dẫn tới thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh", bà Hương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP.Hà Nội, chia sẻ lâu nay chúng ta cũng đã từng nhiều lần đề cập tới số hóa sản phẩm nông nghiệp, nhưng chưa làm được nhiều. Nguyên nhân là muốn số hóa thì phải cơ sở dữ liệu về HTX. Do vậy, trước hết cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu. Từ đó, chúng ta mới nắm rõ địa phương này sản xuất bao nhiêu, diện tích thế nào, sản phẩm đạt chất lượng ra sao? Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng kho lạnh bảo quản, điều này sẽ giải quyết căn cơ của tình trạng mất giá nông sản, chấm dứt tình cảnh "sáng là rau mà chiều là rác".
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng và vì thế mà giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn. Khó khăn của người nông dân là bán quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không xuất xứ và không thương hiệu và vì thế giá rất thấp. Khó khăn của người nông dân đã nghèo nhưng mua con giống, mua phân bón không biết có đúng giá, đúng chất lượng không. "Do vậy, một sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân có thể giải quyết được các khó khăn trên", ông Hùng nói.
Theo đó, sàn thương mại điện tử sẽ phải kết nối được mọi người nông dân và mọi người tiêu dùng. Bà con đưa được sản phẩm của mình lên sàn. Sản phẩm của mỗi mảnh đất phải có thương hiệu riêng. Sàn điện tử còn kết nối bà con nông dân với các nhà cung cấp con giống, phân bón. Sàn điện tử đảm bảo chất lượng con giống, phân bón, có xuất xứ không bị làm giả, giá cả thì cạnh tranh.
Hành động cụ thể
Bộ trưởng TT&TT khẳng định, các công nghệ, DN công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng hoàn thiện một sàn thương mại điện tử như vậy cho bà con nông dân. Dự kiến năm nay, trên 8.000 tấn vải sẽ được tiêu thụ trên các sàn này để đến tận tay người tiêu dùng. 8.000 tấn thì mới 4-5% sản lượng vải nhưng những năm trước chưa từng có.
"Một khởi đầu như vậy đã tạo ra một niềm tin về sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân, và sau quả vải này sẽ là hàng trăm, hàng ngàn nông sản khác. Từ hàng triệu hộ gia đình lên sàn mua bán thì chỉ cuối năm nay sẽ là hàng chục triệu", ông Hùng nhìn nhận.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, áp dụng chuyển đổi số, những nông dân số sẽ không phải "trông trời, trông đất, trông mây" để sản xuất như truyền thống mà có thể trông vào dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp. "Nông dân không chỉ mua vật tư nông nghiệp mà còn mua cả dữ liệu", ông Dũng khẳng định.
Cũng theo ông Dũng, áp dụng chuyển đổi số, có thể cho phép nông dân bán nhiều thứ chứ không chỉ bán sản phẩm nông sản đơn thuần. Chuyển đổi số còn cho phép so sánh giá ở nhiều nơi, làm được việc này sẽ không còn ép giá. Chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. "Chúng ta có thể kết nối 9 triệu hộ nông dân với các DN chế biến, gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả 6 tỷ người tiêu dùng trên thế giới", ông Dũng chia sẻ.
Bộ TT&TT cũng đưa ra một chương trình để đến hết năm nay, mỗi hộ nông dân ít nhất có một điện thoại thông minh để truy cập internet. Bộ cũng đã có giải pháp đẩy nhanh việc mỗi hộ nông dân có một đường cáp quang internet.
Bộ TT&TT cũng đưa ra danh sách một số ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp mà các nước đã làm thành công, một số ứng dụng Việt Nam đã bước đầu đưa vào áp dụng thành công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Trong khi đó, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, chuyển đổi số trong nông nghiệp như một "chuyến tàu" mà người làm nông nghiệp không được phép bỏ lỡ. Tôi mong toàn ngành nông nghiệp phải hiểu không ai muốn lỡ nhịp tàu, đứng ở sân ga nhìn thiên hạ chuyển động về phía trước mà dũng cảm nhảy lên đoàn tàu đó để khởi hành.
"Chúng ta dứt khoát không để lỡ chuyến tàu chuyển đổi số. Lỡ chuyến tàu là có tội với hàng triệu bà con nông dân, là thiếu trách nhiệm với tương lai của nền nông nghiệp", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.
Trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, người nông dân, HTX tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Đồng thời, sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản... Nếu làm được điều này thì đây sẽ là giải pháp "căn cơ" để giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn trước đại dịch COVID-19, cũng như phát triển bền vững sau này.
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |