Mới đây, tại Tp.HCM, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) nông sản FoodMap.Asia cùng với một doanh nghiệp (DN) tư vấn là thành viên Hiệp hội Nghệ nhân & Thủ công Mỹ và Trung tâm nghiên cứu kinh doanh, hỗ trợ DN (BSA) thuộc Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã hình thành một liên minh để thúc đẩy sản vật địa phương vươn xa hơn không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ra thị trường thế giới.
Liên minh mở đầu ra
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Xuân Yến, lãnh đạo Công ty Tư vấn mỹ thuật Trà Quế, việc liên kết, liên minh như vậy là rất quan trọng, nhằm tạo đầu ra cho sản vật địa phương theo hướng chuỗi giá trị bền vững hơn.
Các sản vật địa phương cần tham gia các liên kết, liên minh để có thể vươn xa tới thị trường thế giới. |
Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm BSA cũng khẳng định, các sản phẩm đặc sản ở làng nghề, nhất là các sản phẩm mới, qua sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới của các thanh niên nông thôn đã tạo ra một thế hệ đặc sản mới của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Anh, để các sản phẩm này đi xa hơn ra thị trường thế giới, việc tham gia liên kết, liên minh là điều quan trọng nhằm tạo ra sức mạnh chung. Đặc biệt là cần gia tăng hàm lượng mỹ thuật và tiêu chuẩn thế giới, cộng với kết hợp công nghệ bán hàng trực tuyến.
Trong việc liên kết, cũng có thể thấy rõ tác động tích cực từ phía đơn vị công nghệ nội địa như FoodMap. Dù chỉ mới hoạt động được 2 năm nay, nhưng DN này tỏ ra khá hiệu quả trong việc xây dựng 3 thương hiệu riêng qua nền tảng TMĐT cho các thương hiệu Đặc sản Ngon Lành (đường, mật ong, rau củ quả...), Maloka (trà và cà phê) và HappyNut (các loại hạt dinh dưỡng).
Nền tảng FoodMap đã được cả hai “ông lớn” trên sàn bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam là Tiki và Lazada chọn hợp tác khi ra mắt mảng nông sản, thực phẩm tươi.
Giới phân tích cho rằng, trong việc liên kết, liên minh đầu ra cho các sản vật địa phương thì không thể thiếu các nền tảng TMĐT như vậy. Những người kinh doanh sản phẩm cần phải thấy việc liên kết là điều cần thiết, nhất là cùng liên kết ứng dụng công nghệ mới để sản vật địa phương được biết đến nhiều hơn trên thị trường thế giới.
Đơn cử, với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sản vật bản địa là cây dược liệu (như sâm Ngọc Linh đã vào được hệ thống phân phối ở nước ngoài) để trở thành sản phẩm xuất khẩu tỷ đô như kỳ vọng thì việc liên kết, liên minh là cực kỳ quan trọng.
Điển hình như ở tỉnh Kon Tum đã phát triển được 1.260ha cây dược liệu; trong đó có 600ha sâm Ngọc Linh tập trung chủ yếu tại huyện Tu Mơ Rông và một số loại cây dược liệu phổ biến như hồng đẳng sâm, đương quy, sa nhân tím, đinh lăng…
Kon Tum đã có vùng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” để thu hút đầu tư phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung quy mô lớn. Rồi tiếp đến xây dựng và phát triển thương hiệu dược liệu, nhất là sâm Ngọc Linh, tỉnh đã có nhiều chương trình liên kết giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh và chế biến dược liệu.
Tạo ra sức mạnh chung
Trong tháng 11 vừa qua, sâm Ngọc Linh của Kon Tum đã bước chân vào thị trường TMĐT và hướng đến thị trường quốc tế thông qua sự hợp tác, ký kết hợp tác chiến lược đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, quảng bá thương hiệu trực tuyến giữa CTCP Hà Nội 9497 Group JSC và CTCP Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Về triển vọng của đầu ra sản vật và tài nguyên bản địa, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, khi đi sâu vào các nền nông nghiệp mạnh trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Pháp mới thấy rằng “tài nguyên bản địa” ở các quốc gia này đều có điểm chung, được xem là sức mạnh của nền kinh tế.
Điển hình như Hàn Quốc có nền kinh tế Kim chi; Kim chi trở thành quốc sách phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Hay như nước Pháp - một trong những nền kinh tế mạnh trong Liên minh châu Âu, có Pho mát và Rượu vang - 2 sản phẩm tài nguyên bản địa từ ngành chăn nuôi bò và trồng nho.
Nhìn ra thế giới để từ đó xem lại sản vật và tài nguyên bản địa ở Việt Nam là rất phong phú và có nhiều tiềm năng để vươn xa ra thị trường quốc tế nếu như việc liên kết, liên minh nhằm tạo ra sức mạnh chung cho sản vật bản địa được làm tốt hơn.
Theo bà Hạnh, chỉ riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hàng loạt loại cây ăn trái là đặc sản, là sản phẩm được chứng nhận địa lý, hay các sản phẩm liên quan đến gạo, dừa, sen, cá… đã là nguồn tài nguyên “khổng lồ” để phát triển thành những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
Điều cần nhất là các sản vật địa phương này áp dụng công nghệ, có sự đổi mới sáng tạo, sản xuất theo tiêu chuẩn và đặc biệt là có thêm những kết nối, liên kết, liên minh để vươn ra thế giới.
Có thể tham khảo cách làm của một sản vật bản địa bột rau má sấy lạnh Quảng Thanh (ở Tp.HCM) khi biết cách sử dụng công nghệ sấy lạnh và nghiền nhiệt thấp giữ lại chất dưỡng chất tốt nhất gần như sản phẩm tươi.
Để xuất ngoại sang châu Âu, chủ thương hiệu bột rau má sấy này nhờ vào sự liên kết từ nhiều phía, qua đó kết nối với đối tác ở Hà Lan, rồi đối tác này bán sản phẩm khắp 28 quốc gia châu Âu.
Thế Vinh