Củ ấu vốn dĩ là tài nguyên bản địa, được trồng nhiều ở Đồng Tháp, thu mua với giá thấp, trung bình 5.000 – 6.000 đồng/kg, lúc cao điểm cũng chỉ 10.000 – 12.000 đồng/kg, với món ăn quen thuộc là món luộc, được bày bán ven đường. Nhưng bây giờ, củ ấu đã được chế biến thành một loại sữa và đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị ở Tp.HCM.
Thành quả của đổi mới sáng tạo
Từ việc đưa củ ấu tươi tách vỏ vào các siêu thị, đến nay, một giáo viên ở địa phương là chị Nguyễn Anh Thy đã thành lập công ty chuyên về ấu để chế biến các sản phẩm mới như sữa ấu, snack ấu. Cách làm này giúp tăng nhu cầu củ ấu tươi, tạo đầu ra tốt, thu nhập cao hơn cho người nông dân trồng ấu tại Đồng Tháp.
Đây chính là trường hợp điển hình về những cách làm mới nhằm tăng thêm giá trị tài nguyên bản địa. Đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) tập trung vào những sản phẩm chưa nổi tiếng và đang ở dạng các sản phẩm thông thường như rau củ quả, cá, thịt… mang bản sắc của địa phương mình.
Hoặc như câu chuyện mô hình du lịch kết hợp phát triển tài nguyên bản địa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long của công ty truyền thông và du lịch C2T với dự án "Du lịch C2T" vừa đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp lần 4 diễn ra tại Tp.HCM.
Với xu hướng tạo cho mỗi hộ nông dân là một điểm đến nhưng không còn đơn giản là tổ chức tour khám phá miệt vườn mà chuyển mạnh sang khâu hậu mãi, ông Võ Văn Phong, Giám đốc công ty, cho biết sẽ liên tục mỗi tháng tạo ra sản phẩm mới ở địa phương để giữ chân du khách. Công ty sẽ đầu tư hạ tầng ở mỗi điểm đến, đào tạo nông dân cách đón khách, thiết kế tour trong bán kính 10km để du khách trải nghiệm văn hóa, sản vật bản địa.
"Đặc biệt, sẽ "số hóa" cho từng hộ nông dân, từng điểm đến, để những công ty lữ hành khác hay những khách du lịch tự do biết đến điểm đó và tự đăng ký. Công ty sẽ thành lập những website hay các App, và du khách có thể cài đặt về smartphone để xem và đặt hàng tại những điểm đến", ông Phong chia sẻ.
Nhận định về xu hướng các DN phát triển tài nguyên bản địa nông nghiệp, chuyên gia Trần Anh Tuấn, Giám đốc công ty Tư vấn Chiến lược và Thương hiệu The Pathfinder, cho rằng đó là những sản phẩm không dễ gì đổi mới sáng tạo nếu không có phương pháp.
"Điểm rất hay ở chỗ có những DN có thể nâng cấp, cải tiến lại những sản phẩm rất bình thường thành những sản phẩm hấp dẫn cho thị trường. Họ kết hợp những khái niệm mới của cách mạng 4.0 như là kinh tế chia sẻ, ví dụ như hệ sinh thái du lịch C2T", ông Tuấn nói.
Cách làm mới sẽ giúp tăng thêm giá trị sản vật bản địa |
Thương mại hóa vẫn giữ bản sắc
Đơn cử như từ một loại cây dại mọc tự nhiên ở dọc ven bờ biển, gần đây, người nông dân ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre) bắt đầu thuần hóa, nhân giống và trồng cây sa sâm. Loại rau này sau khi được thu hoạch mang về chế biến thành bột sa sâm – một sản phẩm thảo dược mới trên thị trường. Đây là một cách để phát triển sản phẩm bản địa, còn nếu làm như sâm Ngọc Linh thì đã có quá nhiều người làm, rất khó để cạnh tranh.
Theo giới chuyên gia, nếu phát triển tốt, trong tương lai, những sản phẩm bản địa này trở thành sản phẩm chủ lực, được thị trường đón nhận. Cần khuyến khích các DN đầu tư vào những sản phẩm bản địa mang sắc thái của địa phương, có tính năng, tác dụng tốt mà chưa được ai quan tâm, đầu tư.
Tuy nhiên, việc phát triển tài nguyên bản địa vẫn gặp khó về thị trường, bởi đây chưa phải là sản phẩm chủ lực, nên sự quan tâm của nhà đầu tư còn hạn chế, nhưng sự thuận lợi và dễ cho các DN là chưa ai làm.
Qua quan sát một số sản phẩm bản địa với cách làm mới, ông Cổ Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thiên Long, cho biết có những sản phẩm không ngờ lại phát huy thế mạnh bản địa tốt đến thế. Ông cũng rất ấn tượng về chất lượng sản phẩm, về bao bì, đóng gói…
"Đất nước đang phát triển, mỗi vùng miền đều có những tài nguyên thiên nhiên khác nhau. Những người địa phương nắm được nhu cầu của địa phương mình, vậy nên vấn đề còn lại là làm thế nào để giúp họ những phương pháp tư duy, sáng tạo theo hướng hiện đại", ông Thọ nói.
Điều quan trọng khi phát triển tài nguyên bản địa là DN phải bảo vệ được tính đặc thù sản phẩm. DN sẽ thuyết phục khách hàng các vùng miền khác, người tiêu dùng các thành phố để dần dần họ cảm nhận và thích sản phẩm mới của mình theo nguyên bản, chứ không phải chạy theo thị hiếu, làm mất đi bản sắc riêng của sản phẩm đó.
Hơn nữa, sản phẩm mới phải được thương mại hóa, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm.
Ts Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, lưu ý với những người đang phát triển sản phẩm bản địa cần quan tâm đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Ví dụ như văn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý…
Để làm được điều đó, theo ông Quân, các DN cần liên kết với các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp để bảo vệ thương hiệu của mình, tránh tình trạng bị xâm phạm. Một khi thương hiệu được bảo hộ, các sản phẩm mới có sự phát triển tốt và đem lại giá trị gia tăng cao cho DN.
Thế Vinh