Tại Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương khẳng định, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp xuất khẩu, đều nhận thấy rằng, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ.
Cửa hẹp với sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển chung của trái đất. Tại châu Âu, Mỹ và nhiều nền kinh tế khác, các hàng rào thuế quan để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng rất khắt khe.
Không phát triển xanh, sản phẩm Việt khó vào các thị trường Mỹ, EU. |
“Thực tiễn này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung phải thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon từ các thị trường lớn, giữ vững vị thế trên thương trường quốc tế”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, cho biết AnEco là thương hiệu các sản phẩm phân hủy sinh học của An Phát. Sản phẩm AnEco của An Phát được thị trường thế giới đón nhận tích cực. Đặc biệt sau lần đầu tiên có mặt trên Amazon – Mỹ vào tháng 7/2021, doanh thu và đơn vị bán hàng của doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh.
Lãnh đạo An Phát Holdings đặt tham vọng, AnEco quyết tâm trở thành nhà phân phối lớn nhất các sản phẩm phân hủy sinh học trên Amazon vào cuối năm 2023.
Tuy vậy, nếu nhìn tổng thể, không phải doanh nghiệp Việt nào cũng có đủ nguồn lực, kiến thức để thay đổi quy trình sản xuất. Bà Đỗ Thị Thu Hương, đại diện Văn phòng Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết ở Mỹ, nếu cơ chế điều chỉnh hạn ngạch carbon (CBAM) đối với doanh nghiệp xuất khẩu được thông qua thì thời gian áp dụng của Đạo luật cạnh tranh Sạch sẽ là vào năm 2024, không có thời gian thí điểm.
Khi đó, dựa vào số liệu phát thải toàn nền kinh tế có hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nói chung hoặc số liệu phát thải một ngành cụ thể để tính thuế vượt hạn ngạch. Sự ngoại lệ của việc tính thuế này được áp dụng cho các hàng hóa sơ cấp được nhập khẩu vào Mỹ và được sản xuất tại một số quốc gia tương đối kém phát triển.
Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế mở, đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 sang Mỹ là 96,29 tỷ USD; sang EU là 45,8 tỷ USD. Vì vậy, điều này đặt ra những quan ngại trong việc doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn trên, nếu muốn xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm là Mỹ và EU.
Kỳ vọng huy động 50 tỷ USD từ trái phiếu xanh toàn cầu
Bà Hương cho biết, mới đây, Ban IV, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đã thực hiện một cuộc khảo sát với 400 doanh nghiệp về mức độ nhận thức của doanh nghiệp về các chính sách/cơ chế liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon, có 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát không biết đến một trong những chính sách được hỏi liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.
Trong khi đó, chưa đến 20% doanh nghiệp nắm rõ chính sách về các nội dung liên quan đến giảm phát thải, nghĩa là có hơn 80% doanh nghiệp chưa nắm rõ các chính sách này. Để doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt các nội dung liên quan đến giảm phát thải, bà Hương cho rằng nguồn tự tìm hiểu chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là nguồn từ phía cơ quan nhà nước.
Đối với mức độ nhận thức của doanh nghiệp về CBAM, chỉ có 11% doanh nghiệp nắm rõ nội dung; 53% doanh nghiệp không biết... “Nhiều doanh nghiệp muốn tìm hiểu về CBAM, nhưng không biết tìm từ nguồn nào và rất nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật”, bà Hương nhấn mạnh và khuyến nghị, đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần hỗ trợ nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp, đẩy nhanh hoàn thiện khung pháp lý về thị trường carbon.
Đối với doanh nghiệp, cần tìm hiểu những thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước và các nguồn tin chính thống khác; chủ động tìm hiểu về các hệ giải pháp đã áp dụng trên thế giới; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng…
Tuy vậy, nếu vượt qua những thách thức trên thì cơ hội lớn đối với doanh nghiệp không chỉ là ở bài toán xuất khẩu mà còn có thể huy động nguồn vốn thông qua trái phiếu xanh toàn cầu. Chỉ ra những cơ hội từ việc phát triển xanh nhưng ở góc độ trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh nói riêng, Tổng giám đốc FiinRatings Nguyễn Quang Thuân, nhấn mạnh đây là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới.
Theo ông Thuân, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6/2022, tăng gấp ba lần so với thời điểm cuối năm 2019. Sau châu Âu, khu vực ASEAN+3 chiếm 15,3% tổng số trái phiếu bền vững đang lưu hành trên thị trường toàn cầu.
“Nhìn chung, thị trường trái phiếu bền vững trong khu vực đã có sự đa dạng hóa về các loại trái phiếu khác nhau”, Tổng giám đốc FiinRatings đánh giá.
Hiện trong ASEAN+3, khu vực tư nhân chiếm 89% tổng lượng phát hành trái phiếu bền vững trong khu vực, trong đó các tổ chức tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất ở mức 45,1% tính đến quý II/2022. Riêng về trái phiếu xanh, thì ngành tài chính chiếm cơ cấu lớn nhất, sau đó đến ngành tiện ích, công nghiệp và bất động sản.
Ông Nguyễn Quang Thuân khẳng định: “Chất lượng trái phiếu xanh đã đa dạng hơn, không chỉ có trái phiếu xếp hạng rất cao (AAA và AA) mà cả các trái phiếu A và BBB”.
"Đặc biệt, không chỉ là những ngành nghe tên là nghĩ ngay đến tăng trưởng xanh như năng lượng tái tạo, mà những những ngành như sắt thép… cũng có cơ hội chuyển đổi sang phát triển xanh, huy động được trái phiếu xanh. Tôi kỳ vọng, đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có thể huy động 50 tỷ USD từ trái phiếu xanh”, Tổng giám đốc FiinRatings đặt mục tiêu.
Nhật Linh