Việc mới đây, công ty Nestlé Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thúc đẩy các hoạt động về quản lý bao bì bền vững cũng như góp phần thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường (Năm 2020). Đồng thời, công bố Cam kết Trung hòa nhựa đến năm 2025 được xem là một hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.
Việt Nam góp phần trung hòa nhựa toàn cầu
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Các quốc gia đã đưa ra nhiều chiến lược cụ thể để có thể cải thiện những gam màu tối được bức tranh về rác thải nhựa.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (phải) và đại diện Nestlé tại Việt Nam (trái) công bố hợp tác, thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. |
Một báo cáo mới được đệ trình lên Chính phủ liên bang Mỹ ngày 1/12 cho thấy, sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng từ 20 triệu tấn vào năm 1966 lên 381 triệu tấn vào năm 2015, tăng gấp 20 lần trong nửa thế kỷ. Ngày nay, hầu hết nhựa trên đất liền đều có khả năng xả ra đại dương thông qua sông và suối. Báo cáo chỉ ra rằng gần một nghìn loài sinh vật biển dễ bị vướng vào hoặc ăn phải các mảnh nhựa hay hạt vi nhựa. Sau đó chúng trở thành thức ăn cho con người, khiến nhựa đi vào cơ thể chúng ta. Với tốc độ xả thải hiện tại, lượng nhựa thải ra đại dương có thể lên tới 53 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới; khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương mỗi năm, trong đó 40% nhựa được sản xuất là bao bì và loại bỏ sau một lần sử dụng. Đại dịch Covid-19 cũng đã làm gia tăng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm khẩu trang, găng tay và bao bì thực phẩm, đồ uống.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường nhưng chỉ 27% số rác được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Hiện nay, việc quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đang là vấn đề bức thiết, bởi rác thải nhựa, rác thải bao bì khi thải ra môi trường sẽ tác động trực tiếp đến môi trường, chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người, hệ sinh thái và các loài sinh vật.
Đứng trước thách thức đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo phát triển bền vững.
Còn nhớ, tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội; Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp
Nhưng rõ ràng, nếu chỉ một mình các cơ quan quản lý sẽ không thể ngăn chặn được tình trạng rác thải nhựa đang ngày một tràn lan, bởi rõ ràng cộng đồng doanh nghiệp mới là một trong những nhân tố trực tiếp tham gia, ngăn chặn tình trạng này.
Bởi vậy, khi nói về thách thức của câu chuyện rác thải nhựa, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường nhắc lại: Luật Bảo vệ môi trường đã xác định cộng đồng doanh nghiệp (DN) là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT.
Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các DN trong công tác BVMT chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Rác thải nhựa đang là một vấn nạn trên toàn cầu. Ảnh Int |
Lấy dẫn chứng từ trường hợp Nestlé Việt Nam, ông Thịnh cho biết, Tổng cục Môi trường đánh giá cao ý thức và sự chủ động nỗ lực, hành động và phối hợp hiệu quả của Công ty Nestlé Việt Nam với Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT trong việc đồng hành, chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải, quản lý bao bì bền vững nói riêng và BVMT nói chung.
"Tôi tin tưởng rằng, sự tiên phong của Công ty Nestlé Việt Nam trong các hoạt động này sẽ lan tỏa, tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều DN, cộng đồng DN cùng hành động có trách nhiệm với vấn đề môi trường của đất nước, cùng nhau phát triển bền vững",ông Nguyễn Hưng Thịnh nói .
Trao đổi với VnBusiness, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, chia sẻ: Sự hợp tác với Tổng Cục Môi trường là một trong các nỗ lực của Nestlé tại Việt Nam trong việc góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy và hiện thực hóa cam kết của Tập đoàn Nestlé đó là đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Cam kết này song hành với tầm nhìn “Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải”.
Đặc biệt, việc Nestlé tại Việt Nam công bố Cam kết Trung hòa Nhựa đến năm 2025 được đánh giá là hành động rất thiết thực của doanh nghiệp này trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường ngày một trở thành vấn nạn ở nhiều quốc gia.
Theo ông Binu Jacob, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức hơn, cam kết của Nestlé về việc thúc đẩy bao bì bền vững vẫn không thay đổi. Trên phạm vi toàn cầu và địa phương, Nestlé tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong việc hợp tác với các bên liên quan khác nhau nhằm giải quyết vấn đề thách thức chất thải nhựa và tạo ra những tác động tích cực đến môi trường.
"Cam kết Trung Hòa Nhựa đến năm 2025 của Nestlé tại Việt Nam nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai không có rác thải. Đây cũng là một khởi đầu quan trọng của chặng đường hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển bao bì bền vững của Nestlé. Chúng tôi đã bắt đầu một số sáng kiến trong năm 2021 và sẽ phát triển cũng như nhân rộng các dự án này trong các năm tới", ông Binu Jacob cho biết.
Đức Anh