Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Tại Hội thảo “Thoả thuận xanh EU có thể xây dựng động lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam hay không?", được tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải dần loại bỏ các nhà máy than thay vào đó là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Tìm nguồn lực cho tăng trưởng xanh
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến Việt nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30%, 70% còn lại từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân.
Do đó, làm sao để huy động và hội tụ được các nguồn lực cho tăng trưởng xanh của Việt Nam là câu hỏi rất cần thiết lúc này.
Nước thải từ Khu công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng sẽ được xử lý để tái sử dụng để đảm bảo môi trường xanh. |
Theo nhận định các chuyên gia, thỏa thuận xanh EU sẽ tạo động lực cho chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Bà Nguyễn Phương Mai, Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chia sẻ: Hiện nay Việt Nam đang cố gắng huy động nguồn lực có thể trong nước để đạt mục tiêu của mình. Tuy nhiên, nguồn lực này chưa đủ mạnh mẽ để đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn, nên sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài là rất cần thiết.
“Chương trình xanh của EU nếu được triển khai là nguồn lực bổ sung hiệu quả để Việt Nam đạt được mục tiêu. Thực tế, trong khuôn khổ các hoạt động của COP26, các định chế tài chính đã ký cam kết rót nhiều tỷ USD cho các chương trình, dự án tăng trưởng xanh tại Việt Nam”, bà Mai nói.
Chia sẻ về những thách thức khi Việt Nam thực hiện chiến lược xanh, ông Jaeseung Lee, Đại diện Quốc gia, Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu Việt Nam (GGGI Vietnam) đánh giá, năng lực Chính phủ khá cao, sự phối hợp, điều phối giữa các khu vực công - tư, bộ ngành đã rất tốt. Tuy nhiên, có 2 vấn đề lớn hiện nay đó là thiếu dự án thực hiện và thiếu năng lực tài chính.
Ông phân tích, về tài chính cần tập trung tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút tài chính từ khu vực doanh nghiệp tư nhân và thu hút nguồn tài chính quốc tế. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, châu Âu đang lựa chọn Việt Nam là thị trường đầu tư. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Riêng về việc xây dựng các dự án, không dễ để xây dựng dự án tốt, cần phải có sự hỗ trợ của quốc tế. "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ những dự án tốt. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính để tìm và triển khai các dự án”, ông Jaeseung Lee nói.
Chính sách phải hấp dẫn mới thu hút nhà đầu tư
Mặc dù đánh giá thị trường năng lượng xanh tại Việt Nam rất tiềm năng. Tuy nhiên, làm sao để thu hút nhà đầu tư, để dự án có tài trợ, các chuyên gia cho rằng: Thứ nhất, góc độ chính sách và các nghị định phải thực sự hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và dự án triển khai. Thứ hai, cơ chế hợp tác giữa các nhà đầu tư ngoại và doanh nghiệp trong nước, một bên mang đến công nghệ, một bên mang đến cơ sở hạ tầng và sự hiểu biết tình hình địa phương.
Chia sẻ về tiềm năng thu hút đầu tư khi Việt Nam hướng đến chiến lược tăng trưởng xanh, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh (EuroCham) cho rằng, nếu các chính sách về môi trường không được áp dụng hiệu quả sẽ khiến nhiều nhà đầu tư "nguội lạnh".
Việc Việt Nam có thể triển khai hiệu quả những tiêu chuẩn về môi trường, tham khảo từ Thỏa thuận xanh của EU, môi trường đầu tư sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn và nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn Việt Nam.
"Việt Nam đang làm rất tốt và đang quan tâm, phát triển nhiều công nghệ bền vững. Nếu Việt Nam tiếp tục kiên định với xu hướng này sẽ thu hút được thêm nhiều nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nhà đầu tư EU", ông Tomaso Andreatta khẳng định.
Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về Hành động Biến đổi Khí hậu, Chính sách Môi trường, Việc làm và Xã hội, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá, hiện nay Việt Nam có quy hoạch tổng thể với chiến lược dài hạn thành quốc gia các-bon trong năm 2050. Ngoài ra, Việt Nam còn có các chính sách khác tạo đà, nhưng cần tập hợp các "đà" đó để mạnh hơn.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhà đầu tư đang thực hiện dự án tăng trưởng xanh tại Việt Nam, ông Bruno Johan O. Jaspaert, Tổng Giám đốc Khu Công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng cho rằng, đối với nhà đầu tư nước ngoài, không phải giá đất hay sự ưu đãi, nhà đầu tư cần Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu xanh.
Thanh Hoa