Việt Nam đang là một trong hai ưu tiên lựa chọn của Samsung để chuyển nhà máy đến, khi mà sau ngày 31/12/2018, các thiết bị cầm tay của hãng này chính thức ngưng sản xuất tại nhà máy có công suất lớn thứ hai ở Trung Quốc là Nhà máy Thiên Tân.
Khối ngoại vẫn chi phối
Giới chuyên gia nhận định Việt Nam là "bàn đạp" cho giới đầu tư nước ngoài gia tăng xuất khẩu (XK), nên hoàn toàn có nhiều cơ hội tiếp nhận dòng vốn ngoại dịch chuyển từ Trung Quốc.
Ngoài Samsung, trong năm 2019, Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội đón nguồn đầu tư đến từ các nước EU khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, hay đón dòng vốn của các nhà đầu tư lớn từ Mỹ.
XK của các doanh nghiệp (DN) trong nước có nhiều cải thiện đáng kể trong năm 2018, nhưng XK của khối ngoại hiện vẫn đóng vai trò chính, chiếm đến hơn 71,7% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Theo đó, XK của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong năm 2018 đã đạt 175,5 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Như trường hợp Samsung, có đến 97% trong tổng số hơn 160 triệu sản phẩm mà hãng này sản xuất tại Việt Nam (gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh và điện thoại phổ thông) là dành cho XK. Theo chia sẻ của Gs Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, Việt Nam có khá nhiều lợi thế đón đơn hàng của Samsung.
Nếu nhìn lại bức tranh XK của Việt Nam năm 2018 sẽ thấy dẫn đầu vẫn là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện hay máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Đây là nhóm hàng chịu sự chi phối của Samsung và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành điện tử.
Chính vì điều này, hồi năm 2017, khi Samsung phải thu hồi cũng như dừng sản xuất điện thoại di động Samsung Galaxy Note 7 vì gặp lỗi, làm ảnh hưởng đến kim ngạch XK, Ts Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, ví von rằng những công ty lớn như Samsung chỉ cần "hắt hơi" cũng có thể ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Ts Vũ Thành Tự Anh lưu ý sự phụ thuộc nền kinh tế vào Samsung không chỉ nằm ở xuất nhập khẩu mà còn nằm ở cả GDP, nằm luôn ở cán cân thanh toán. Nghĩa là một công ty ngoại có tác động ghê gớm đến nền kinh tế, nhất là khi XK còn phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI.
Tuy nhiên, ngoài vấn đề còn phụ thuộc vào khu FDI, nếu nhìn lại năm 2018 sẽ vẫn thấy "bức tranh sáng" về gia tăng kim ngạch XK của những mặt hàng chủ lực tỷ đô, sự nỗ lực của DN nội địa, cũng như việc củng cố thị trường XK truyền thống và mở rộng thị trường mới.
![]() |
XK năm 2018 tăng trưởng tốt nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của khối ngoại |
Động lực lớn cho khối nội
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tổng kim ngạch XK 244,7 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch XK.
Trong năm 2018, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch XK của cả nước. Đáng chú ý, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Đó là điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD và giày dép đạt 16,3 tỷ USD. Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận tỷ trọng XK của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực FDI.
Về sự ảnh hưởng của khối nội trong kim ngạch XK có thể kể một số mặt hàng nông sản, thủy sản trong năm 2018 đã có sự tăng trưởng khá như: thủy sản đạt 8,8 tỷ USD (tăng 6,3%); rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,2%; cà phê đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,2%…
XK thủy sản có nhiều khởi sắc (nhất là trong những tháng cuối năm 2018) được cho là vì mức thuế chống bán phá giá với cá tra gần nhất giảm nhiều so với mức thuế công bố sơ bộ, tạo tâm lý tốt cho DN XK. Hơn nữa, nhu cầu nhập khẩu tăng bình quân 10-20% trong các tháng cuối năm để phục vụ các dịp lễ Tết, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặc dù vậy, thủy sản vẫn gặp khó khăn về "thẻ vàng IUU" của EU và Chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ.
Về thị trường XK nói chung hiện nay, có thể thấy Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết.
Khi cộng đồng DN tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình XK hàng hóa. Đặc biệt, việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các DN XK trong nước, cũng như thu hút mở rộng đầu tư và XK sản phẩm của các DN.
Thế Vinh