Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD, tính chung 10 tháng ước nhập siêu 1,45 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.
Lo nhập siêu từ 2021 sang 2022
Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 10 tháng năm 2021 là do kinh tế thế giới phục hồi, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất.
Nỗi lo nhập siêu gia tăng khi Hiệp định RCEP có hiệu lực. |
Cùng với đó, giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu; giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu; trong khi xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6.
Trước đó, trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 9/2021, Bộ Công Thương dự báo nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III thì xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh trong quý IV. Tuy nhiên, theo chu kỳ, nhập khẩu quý IV cũng thường tăng cao, vì vậy dự kiến cả năm nhập khẩu tăng hơn 20%, nhập siêu khoảng 2 tỷ USD (chiếm 0,63% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Có thể thấy, việc đổi chiều cán cân thương mại trong khoảng 2 tháng cuối năm đang là nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh đơn hàng không thiếu nhưng doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa quay lại hoạt động 100% công suất, thậm chí đánh mất các đơn hàng phục vụ mùa sản xuất Thu - Đông.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VitaJean, cho hay dịch COVID-19 ảnh hưởng trầm trọng ở thời điểm tháng 7 đến tháng 9 tại TP.HCM khiến doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, không dám nhận nhiều đơn hàng may mặc của mùa Thu - Đông, ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu như sợi, vải tăng 5-10% so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát khiến doanh nghiệp chỉ sản xuất hòa vốn, thậm chí lỗ với đơn hàng đã ký.
Đáng chú ý, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 cũng đặt nền kinh tế Việt Nam trước rủi ro nhập siêu gia tăng.
Hiệp định RCEP được kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, hàng hóa tiêu dùng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng gia tăng.
Nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, khu vực RCEP hiện nay là nguồn cung hàng hóa lớn cho Việt Nam. Thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%). Việc mở rộng hơn quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với nước RCEP sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhập siêu tăng lên.
Bà Trang cho hay, thông qua Hiệp định RCEP, hàng hóa của các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ tăng tốc vào Việt Nam, là thách thức rất lớn mà chúng ta sẽ phải đối mặt.
Theo một khảo sát của VCCI vào năm 2020, tỷ lệ hiểu biết ở mức tương đối về các cam kết FTA của các doanh nghiệp Việt Nam trung bình chỉ đạt 23%. Các cam kết FTA, đặc biệt là những FTA thế hệ mới như RCEP thường không dễ tìm hiểu do số lượng các cam kết đồ sộ, nội dung phức tạp.
"Trong bối cảnh này, rõ ràng doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động để hiểu rõ Hiệp định, tận dụng tốt cơ hội, cũng như sẵn sàng nâng cao năng lực cạnh tranh với các thị trường trong khối RECP", bà Trang nói.
Ở một góc nhìn lạc quan, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, dù cán cân thương mại năm nay có nhập siêu cũng không quá lo ngại vì Việt Nam đang phục hồi lại sản xuất sau dịch, cũng như cần nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị để phục vụ phát triển kinh tế.
"Đáng quan tâm là cán cân thương mại của Việt Nam lâu nay do doanh nghiệp FDI quyết định và chừng nào nền kinh tế còn phụ thuộc doanh nghiệp FDI thì chúng ta chưa thể nói nhiều về thương mại bền vững", ông Phương chia sẻ với VnBusiness.
Do vậy, ngay cả khi cán cân thương mại là xuất siêu thì cũng cần lo ngại, bởi giá trị gia tăng không lớn, phụ thuộc khối ngoại. Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng, đừng nhìn vào một con số xuất siêu hay nhập siêu để đánh giá, bởi đằng sau đó còn rất nhiều vấn đề.
Theo ông Phương, để khắc phục, giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cần được đẩy mạnh hơn nữa. Thời gian qua, không ít chính sách đã được ban hành nhằm thúc đẩy lĩnh vực này nhưng trên thực tiễn chưa làm được gì nhiều. Ví dụ ngành dệt may, yêu cầu đặt ra là chủ động nguồn nguyên liệu nhưng chính các địa phương lại từ chối dự án dệt nhuộm vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, chưa tập trung giải quyết bài toán công nghệ để có thể phát triển song song cả đầu vào và đầu ra.
"Phát triển công nghiệp hỗ trợ quan trọng lắm, nhưng chúng ta lại không làm được gì nhiều, nên giá trị gia tăng xuất khẩu thấp, chủ yếu làm hàng gia công", ông Phương nói.
Lê Thúy