Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2021 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,9 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,87 tỷ USD.
Lý giải nguyên nhân nhập siêu
Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021 là do kinh tế thế giới phục hồi nên nhu cầu tăng, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất; giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, khiến tăng kim ngạch nhập khẩu.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III thì xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh trong quý IV/2021. |
Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu; xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. Trong đó, tháng 6, dịch COVID-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh; còn trong các tháng 7, 8, 9, dịch tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Hoạt động xuất khẩu có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, logistics chưa bình thường trở lại.
Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt, phải đáp ứng được các điều kiện sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến”. Nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử… Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nhập siêu trong những tháng gần đây là không đáng lo, vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt, một tín hiệu tích cực là trong tháng 9/2021, Việt Nam đã xuất siêu 500 triệu USD.
Kỳ vọng chuyển trạng thái
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, xuất nhập khẩu gắn chặt với sản xuất công nghiệp. Quý II, III vừa qua là thời điểm dịch bùng phát mạnh, tác động trực tiếp tới trung tâm sản xuất công nghiệp lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang và 19 tỉnh thành phía Nam.
Riêng 19 tỉnh thành phía Nam chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Các địa phương này giãn cách xã hội nên tác động tiêu cực tới sản xuất, xuất khẩu. Nhập siêu đã quay trở lại, tháng 6, tháng 7 có mức nhập siêu lớn, tuy nhiên tới tháng 8 đã giảm và tháng 9 đã quay trở lại xuất siêu.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phân tích, khoảng cách để chuyển cán cân thương mại từ nhập siêu sang xuất siêu là không quá lớn. Còn khoảng 3 tháng cuối năm, nếu không có biến động lớn về dịch bệnh, hy vọng doanh nghiệp phía Nam phục hồi được đà tăng trưởng, thì kết thúc năm 2021, thương mại Việt Nam sẽ duy trì ở mức cân bằng, nếu lạc quan hơn thì có thể xuất siêu.
Tuy vậy, trong báo cáo, Bộ Công Thương đưa ra các con số khá thận trọng. Theo đó, nhu cầu tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...
Về cán cân thương mại, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III thì xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh trong quý IV. Tuy nhiên, theo chu kỳ, nhập khẩu quý IV cũng thường tăng cao, do đó, dự kiến cả năm nhập khẩu tăng hơn 20%, nhập siêu khoảng 2 tỷ USD (chiếm 0,63% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Từ nay đến cuối năm, để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương cho biết đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.
Thiếu điện tại Trung Quốc chưa ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu sản xuất của Việt Nam Tại họp báo thường kỳ chiều ngày 30/9, liên quan tới câu chuyện nhiều nhà máy sản xuất của Trung Quốc dừng hoạt động vì thiếu điện, có ảnh hưởng ra sao tới nguồn liệu sản xuất của Việt Nam? Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, đến thời điểm hiện nay, chưa ghi nhận doanh nghiệp trong nước phản ánh về hiện tượng thiếu nguyên liệu đầu vào. Thực tế, liên quan tới câu chuyện nguyên liệu sản xuất, năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát thì doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, sau đó đã thích ứng và có nhiều giải pháp đối phó với tình trạng này. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nên nhu cầu nguyên liệu đầu vào không thiếu hụt. Đại diện Cục Công nghiệp khẳng định, nhiều ngành công nghiệp như thép... của Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được nguồn cung nguyên liệu, do vậy không chịu tác động từ việc nhà máy ở Trung Quốc dừng hoạt động. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp, hiệp hội, thường xuyên trao đổi xem tình hình cung ứng nguyên vật liệu thế nào. |
Nhật Linh