Ở một buổi chiêu đãi doanh nghiệp (DN) của Lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM cách đây không lâu nhằm chào đón các công ty nước này trong ngành hàng nông sản tham gia một triển lãm quốc tế tại Tp.HCM, khá nhiều DN Việt quan tâm đến việc nhập khẩu (NK) rau quả từ Mỹ.
Trong đó, một số DN đã bước đầu NK trái việt quất khi từ giữa tháng 2/2019, Việt Nam đã mở cửa cho trái việt quất tươi NK từ Mỹ.
Trái cây ngoại đổ bộ
Một tờ báo của Mỹ từng dẫn lời của ông Bryan Ostlund, lãnh đạo Ủy ban việt quất tiểu bang Oregon (vùng có sản lượng việt quất lớn nhất nước Mỹ), cho rằng Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với họ.
Còn bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại Tp.HCM, cho biết nhờ vào việc tháo gỡ các rào cản NK hồi năm 2018 mà các mặt hàng nông sản của Mỹ (trong đó có rau quả) vào Việt Nam đã đạt kim ngạch 4,5 tỷ USD, tăng 50% so với năm trước.
Một đánh giá cho thấy rau quả NK từ Mỹ đang chiếm một thị phần đáng kể trong tổng giá trị NK rau quả của Việt Nam và có thể sẽ còn tăng lên trong thời gian tới trước nhu cầu NK, tiêu thụ trái cây Mỹ từ phía DN và người tiêu dùng (NTD) Việt.
Số liệu thống kê mới đây cũng thể hiện mức độ NK rau quả trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng đến chóng mặt, đạt kim ngạch 878 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, riêng mặt hàng quả đạt 655 triệu USD, tăng 48,7%, mặt hàng rau ước đạt 198 triệu USD, tăng 46,8%. Rau quả nhập từ Mỹ dần dần có chỗ đứng khi chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch này, còn Úc chiếm khoảng 7,83%.
Riêng hai thị trường mà lâu nay Việt Nam NK rau quả lớn vẫn chiếm tỷ trọng cao: Thái Lan chiếm 45,11%, Trung Quốc chiếm 19,06%; hai thị trường này đã chiếm hơn 64% kim ngạch NK rau quả của Việt Nam. Ngoài ra, còn có thể kể đến lượng rau quả NK từ EU, Nhật, Hàn Quốc, Canada, New Zealand… cũng tăng khá mạnh trong thời gian qua.
Chẳng hạn như trái kiwi, ông Jean-Baptiste Pinel, Giám đốc điều hành CTCP Primland (công ty con của Tập đoàn Scaap Kiwifruits de France, nhà sản xuất trái kiwi hàng đầu của Pháp), cho biết trái kiwi của công ty này xuất khẩu từ Pháp sang Việt Nam năm 2017 chỉ khoảng 60 tấn, nhưng đến năm 2018 đã tăng lên 200 tấn.
Còn với một DN chuyên NK trái cây ngoại để phân phối tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Hải, Giám đốc công ty Klever Fruit, cho biết đến nay, công ty có đến 36 cửa hàng bán trái cây ngoại ở Hà Nội và 8 cửa hàng ở Tp.HCM.
Theo ông Hải, nhu cầu tiêu thụ trái cây ngoại của NTD trung lưu ở Việt Nam ngày càng cao. Vì vậy, thời gian qua, công ty đã tìm kiếm những loại trái cây thượng hạng, có thương hiệu để NK phục vụ thị hiếu này.
Trái cây ngoại đổ bộ, lại lo trái cây nội |
Nên học hỏi kinh nghiệm
Trên thị trường trái cây hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội, có thể thấy nhiều cửa hàng trực tuyến (online) hoặc các cửa hàng trái cây cao cấp đã liên kết cùng các nhà cung cấp trái cây NK quốc tế để bán các loại trái cây ngoại với mức giá "siêu khủng".
Chẳng hạn, dâu tây Bạch Tuyết NK từ Nhật Bản có mức giá tại Tp.HCM khoảng 2 triệu đồng/kg, trong khi dâu tây Đà Lạt loại 1 chỉ ở mức 150-200 ngàn đồng/kg.
Hoặc đu đủ mini NK từ Nhật (giống Sunrise Solo) có mức giá gần 1 triệu đồng/kg, nếu so với giá đu đủ của Việt Nam dao động 30.000 – 50.000 đồng/kg thì cao gấp gần 30 lần.
Nhìn vào mức chênh lệch giá quá cao như vậy, nhiều ý kiến băn khoăn là phải chăng điều này đánh vào tâm lý sính hàng ngoại của người Việt? Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận là có một số loại trái nhập giá cao vì kiểu dáng lạ, hương vị ngon, đảm bảo các quy định chặt chẽ về chất lượng, hoa quả được lựa chọn từ những đơn vị NK có uy tín, cùng các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa NK với mỗi lô hàng, đem lại cảm giác an toàn với NTD.
Còn với trái cây Thái đang chiếm thị phần lớn như hiện nay, theo một số người bán hàng, trái cây Thái Lan cùng chủng loại với trái cây Việt nhưng mẫu mã đẹp, lại có cảm giác an toàn hơn trái cây Trung Quốc, nên vẫn thu hút nhiều NTD.
Các loại trái cây Thái Lan đều có giá không quá đắt so với trái cây nội cùng loại, thậm chí có loại còn rẻ hơn. Trên thực tế, một số đặc sản trái cây nội có mức giá không đắt, nhưng khi qua nhiều lớp trung gian hưởng lợi trong quá trình đưa trái cây từ vườn đến tay NTD nên có mức giá cao so với trái cây Thái.
Với xu hướng gia tăng NK rau quả từ Thái Lan, giới chuyên gia cho rằng còn nhiều điều mà rau quả Việt cần học hỏi, nhất là rau quả Thái có uy tín trên thị trường thế giới nhờ vào khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả xuất khẩu.
Hơn nữa, các sản phẩm rau quả xuất khẩu của Thái Lan cũng rất đa dạng và NTD đánh giá cao chất lượng này với giá cả rất cạnh tranh thông qua việc phát triển công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, các DN xuất khẩu rau quả Thái Lan chú trọng nhiều đến xây dựng, đăng ký và quảng bá thương hiệu; mẫu mã và bao bì hàng hoá được thiết kế đẹp; hàng hoá được bảo quản tốt. Vì vậy, các DN rau quả Việt muốn cạnh tranh cần lưu tâm về vấn đề này.
Thế Vinh