Từ đầu năm 2019 đến nay, Hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu (EU) về mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng đã phát hiện 8 lô hàng nông sản của Việt Nam chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm theo tiêu chuẩn EU.
Ám ảnh tồn dư thuốc
Cách đây hai năm, EU có 77 cảnh báo đối với hàng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu (XK) của Việt Nam, trong đó có 23 lô bị từ chối. Đơn cử như hồ tiêu đã từng bị EU cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và có 17 lô hàng hồ tiêu XK bị EU phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc BVTV vượt mức quy định.
Bà Marieke Van Der Pijl, chuyên gia Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, cho biết có rất nhiều khối hàng của Việt Nam bị từ chối XK vào EU vì liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, bị vướng vào một số dư lượng kháng sinh, kim loại nặng… do tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu thường cao hơn, dù doanh nghiệp (DN) đã có những chứng nhận ở Việt Nam.
Trong khi đó, tại thị trường Nhật, thông tin mới đây từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, qua kiểm tra đã phát hiện một số lô hàng nông sản của Việt Nam có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép của nước này trong 4 tháng đầu năm 2019.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Nhật Bản có thể sẽ tăng cường kiểm tra các mặt hàng rau quả XK từ Việt Nam, như trái thanh long, rau ngót tươi, rau ngò tươi, trà chưa lên men, nấm fukurotake.
Cần nhắc lại, hồi năm ngoái đã có đến 48 vụ việc sản phẩm nông sản của Việt Nam khi XK sang thị trường Nhật sau khi kiểm dịch đã bị trả về vì tồn dư hoạt chất bị cấm hoặc các thuốc BVTV có hàm lượng cao hơn mức cho phép.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), cho rằng chất lượng của một số loại rau quả Việt khi XK còn nhiều vấn đề hạn chế dẫn đến việc không đạt được tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Đơn cử như khi XK rau quả sang Nhật Bản hay Hàn Quốc, không ít trường hợp đã bị trả về.
Các nhà nhập khẩu ngoại "soi kỹ" rau quả Việt |
Truy xuất nguồn gốc
Theo ông Hưng, hệ thống kiểm dịch và tiêu chuẩn nhập khẩu trái cây ở hai thị trường chủ lực là Nhật Bản và Hàn Quốc hết sức ngặt nghèo, nên XK trái cây Việt dự kiến sẽ còn nhiều thách thức.
Đáng chú ý là Hệ thống mới về danh mục thuốc BVTV (gồm 370 loại thuốc cho phép sử dụng) của Chính phủ Hàn Quốc ban hành – Hệ thống PLS, có hiệu lực từ 1/1/2019, được áp dụng với toàn bộ nông sản nhập khẩu vào nước này.
Điều này có nghĩa, nếu trái cây Việt khi XK sang Hàn Quốc mà sử dụng các loại thuốc BVTV không nằm trong 370 loại thuốc thuộc danh mục mà nước này cho phép thì mặc nhiên sẽ bị áp dụng mức tồn dư tối thiểu hoặc tối đa là 0,01miligram/kg đối với loại thuốc không nằm trong danh mục mà trái cây Việt đã dùng.
Việc tồn dư thuốc BVTV trong rau quả XK rồi bị trả về thì DN "lãnh đủ", nhưng uy tín của nông sản Việt cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó, như chia sẻ của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu xử lý hàng rau quả XK cho những thị trường phát triển, hiện nay cả nước mới đầu tư được 3 nhà máy chiếu xạ ở Tp.HCM, Long An và Hà Nội.
Hơn nữa, số lượng DN chế biến rau quả XK sang các thị trường phát triển vẫn còn khiêm tốn. Hiện cả nước có khoảng 145 DN chế biến rau hoa quả (chiếm 2,19% tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp).
Đứng ở góc độ DN, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) – DN chuyên XK các loại trái cây sang những thị trường khó tính, cho biết khi DN làm việc trực tiếp với nông dân về tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hầu như tất cả rủi ro phía DN phải gánh chịu trách nhiệm chứ không phải là nông dân.
"Chúng tôi yêu cầu nông dân bao lại trái cây theo đúng yêu cầu của thị trường Mỹ, thì họ ép chúng tôi phải mua với mức giá cao hơn, trong khi trên thị trường cạnh tranh với nhau rất ghê gớm", bà Vy phân trần.
Giới chuyên gia cho rằng truy xuất nguồn gốc đang là xu hướng bắt buộc đối với rau quả XK, vì có quá nhiều vấn đề liên quan đến yêu cầu này, nhất là trước những trường hợp rau quả XK bị phát hiện tồn dư thuốc.
Do đó, việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phổ biến nhất từ những thị trường khó tính và truy xuất nguồn gốc sẽ giúp DN có những bằng chứng, chứng cứ chứng minh được nguồn gốc nông sản sạch. Điều quan trọng là DN phải có trách nhiệm hàng đầu trong việc tham gia chuỗi sản xuất sạch nhằm tăng uy tín cho rau quả XK.
Thế Vinh