Từ đầu năm 2019 đến nay, ở Tp.HCM đã bắt đầu đẩy mạnh động thái dừng việc thu mua hàng nông sản không sơ chế, đóng gói, bảo quản vào chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn. Trước đó, Tp.HCM cũng kêu gọi các tỉnh, thành thông tin cho các thương lái, thương nhân những việc cần thiết để thực hiện.
Sẵn sàng loại bỏ
Các kênh phân phối hiện đại ở Tp.HCM như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… hiện cũng đã loại bỏ các sản phẩm nông sản không đạt chuẩn ra khỏi tất cả các hệ thống của mình. Điều đó nhằm tránh tình trạng sản phẩm trái cây không đạt chuẩn bị loại khỏi hệ thống siêu thị này thì có thể chuyển sang hệ thống siêu thị khác.
Để đưa rau củ quả từ các tỉnh về Tp.HCM, nhà bán lẻ lớn Mega Market còn điều động các kỹ sư nông nghiệp đến với từng hộ nông dân để đảm bảo nông sản đủ tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, trong đó ưu tiên những vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, từ đó mới mang về trạm trung chuyển trái cây để sơ chế, dán nhãn.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN), bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết lâu nay nhiều người nghĩ nông sản khi xuất khẩu thì phải đạt một tiêu chuẩn nào đó, mà lại quên rằng ở thị trường trong nước cũng nên đồng nhất về một tiêu chuẩn chất lượng.
"Điều mà tôi đắn đo, cũng có thể là khó khăn nhất khi làm việc trực tiếp với nông dân, HTX, tổ hợp tác là phải phân ra hai giá trị của sản phẩm. Ví dụ như thị trường xuất khẩu thì phải cam kết với nông dân là mua giá trị cao hơn 20-30%. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm thật ra mà nói VietGAP hay GlobalGAP thì tất cả rủi ro DN đều phải chịu trách nhiệm chứ không phải nông dân", bà Vy chia sẻ.
Chính vì vậy, theo bà Vy, các cơ quan quản lý nên có một cách nhìn phù hợp nhằm xây dựng một chất lượng đồng nhất cho các thị trường, từ trong nước cho đến thị trường ngoài nước.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, giám đốc một CTCP rau quả thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, để đưa nông sản lên tiêu thụ tại Tp.HCM mà không bị các siêu thị loại ra, DN này phải hợp tác chặt chẽ với người nông dân.
Đặc biệt, quá trình ghi chép nhật ký sản xuất là điều mà công ty vẫn đang đau đầu để có được nguồn nguyên liệu minh bạch. Công ty phải đưa kỹ thuật viên nông nghiệp theo sát những người sản xuất mới nắm được trọn vẹn thông tin sản xuất.
Để vào được các siêu thị ở Tp.HCM, rau củ quả phải đạt chuẩn |
Chặn đường nông sản bẩn
Bà Nguyễn Kim Thanh, một chuyên gia về chuẩn chất lượng hàng hoá, cho biết vừa qua có làm một cuộc khảo sát các nông dân ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp và thấy có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Một nhóm nông dân thì khẳng định họ có lòng tin vào sản phẩm nông sản tốt sẽ tồn tại được trên thị trường và chọn con đường tiêu chuẩn để tạo ra sự khác biệt.
Tuy nhiên, một nhóm nông dân khác lại tỏ ra chần chừ hoặc không muốn làm sản phẩm nông sản tốt, với lý do "nếu tôi làm tốt thì rốt cuộc ở thị trường người ta cũng không biết được là sản phẩm của tôi có tốt hay an toàn, còn bị đánh đồng với sản phẩm không an toàn".
"Qua cuộc khảo sát này, tôi nghĩ rằng việc chuẩn hóa sản phẩm đóng vai trò quan trọng cho nông dân hơn. Ngoài việc thuận lợi hóa cho người tiêu dùng (NTD) nhận biết việc làm đúng của người sản xuất, còn là cơ hội để những nhà mua hàng hoặc là những nhà bán lẻ khi muốn tìm những nơi sản xuất tốt, sản xuất an toàn. Đây là cơ hội để người sản xuất tử tế được thị trường nhận biết và được NTD biết đến", bà Thanh chia sẻ.
Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, trong năm 2019, Hội sẽ hỗ trợ nông dân và một số DN lấy tiêu chuẩn LocalGAP với nông sản tươi. Đối với nông sản chế biến thành thực phẩm thì cần lấy tiêu chuẩn HACCP (được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc áp dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm).
Tiêu chuẩn HACCP được cho là nhằm ngăn ngừa những rủi ro dẫn tới những vấn đề không tốt khi NTD sử dụng thực phẩm. Theo bà Hạnh, các nhà bán lẻ cũng có những tiêu chuẩn riêng của họ, chẳng hạn như BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội bán lẻ Anh thiết lập).
Có thể nói, việc các kênh bán lẻ hiện đại thắt chặt kiểm soát bằng yêu cầu về mặt tiêu chuẩn là con đường đúng để nâng chất nông sản Việt và chặn đường sống của nông sản bẩn, không đạt chuẩn. Cách làm của Tp.HCM đáng để các địa phương tham khảo.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường nội địa mới chỉ có 15% lượng nông sản là tiêu thụ qua kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…), 85% còn lại tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường…), việc "phổ thông hóa" các tiêu chuẩn cho nông sản Việt vẫn là một thách thức lớn từ sự dễ dãi ở kênh tiêu thụ truyền thống.
Thế Vinh