Đơn cử như với tình hình quả ớt đang bị “tắt cửa” vào thị trường Trung Quốc dẫn đến rớt giá thảm hại, phía Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đặt vấn đề là liệu còn có cửa nào để đi ?
Cửa này tắt, cửa khác mở ra
Và một số thị trường xuất khẩu (XK) được trung tâm này gợi ý như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan dựa trên nhu cầu, thị hiếu thị trường, mối quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) XK của Việt Nam với phía nhà nhập khẩu.
Để rau củ quả Việt không rớt giá, tắt đầu ra thì việc chủ động mở rộng thị trường XK, nắm bắt thông tin và dự báo thị trường là rất quan trọng. |
Như với thị trường Hàn Quốc có nhu cầu nhập rau củ quả rất lớn từ Việt Nam, và là thị trường lớn thứ hai của mặt hàng ớt với ước tính doanh số hàng chục triệu USD mỗi năm. Do văn hoá ăn kim chi ở nước này nên việc tiêu thụ ớt rất nhiều.
Do đó, khi mà Trung Quốc “tắt cửa” thì chọn “cửa” Hàn Quốc cho việc gia tăng đầu ra của quả ớt là rất cần thiết trong lúc này. Theo BSA, phía Việt Nam có hơn 30 DN XK, phía Hàn Quốc có hơn 80 đối tác mua hàng, so với Trung Quốc có khoảng 17 đối tác chi phối nhập khẩu ớt.
Đối với thị trường Hàn Quốc, giới chuyên gia lưu ý khi muốn gia tăng XK ớt sang nước này thì DN Việt cần nỗ lực đổi mới cách làm, chú ý kỹ đến các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, sự phù hợp với sở thích tiêu thụ của người tiêu dùng Hàn Quốc...
Hoặc như Singapore cũng là một thị trường tiềm năng cho việc khai thác tiêu thụ quả ớt (chuộng các loại ớt hiểm và ớt chuông dạng tươi) khi mà hiện có hơn 20 DN XK nông sản của Việt Nam cho hơn 30 đối tác Singapore.
Theo BSA, hồi năm rồi Singapore là quốc gia nhập khẩu ớt từ Việt nam với giá trị không ít hơn 5 triệu USD. Cho nên, đây là một thị trường cần quan tâm sau thị trường Hàn Quốc.
Ngoài ra, có thể kể đến thị trường Thái Lan cũng là đối tác nhập khẩu đáng kể ớt tươi từ Việt Nam sau Singapore. Ớt hiểm đỏ của Việt Nam là sản phẩm ưa chuộng bởi thị trường Thái thông qua 4 đối tác nhập khẩu, với giá trị giao dịch tương đương 3 triệu USD/năm.
Nêu ra chuyện chủ động mở rộng thị trường XK cho quả ớt để không còn quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là cũng để nhắc nhở cho các loại rau củ quả khác cần chọn cửa đi cho phù hợp nhằm tránh lặp lại thường xuyên chuyện rớt giá đến tận đáy, tắt đầu ra dẫn đến phải “giải cứu”.
Điển hình như trường hợp hành tím ở Sóc Trăng đang được kêu gọi “giải cứu” khi hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg nhưng không có thương lái mua khi mà thị trường XK còn mờ mịt.
Chờ tăng năng lực thông tin, dự báo thị trường
Dẫu biết rằng chuyện “tắt” đường XK hành tím một phần do nguyên nhân chủ quan vì dịch Covid-19. Như chia sẻ của ông Nguyễn Minh Chí, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), thì địa phương trồng 5.000 ha hành tím thương phẩm, cho sản lượng từ 80.000 – 100.000 tấn, nhưng năm nay do tác động dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc ký hợp đồng XK hành tím.
Nhưng, về mặt khách quan, trong khi thị trường nội địa không khả quan thì hành tím cũng nên chọn cửa xuất thông qua việc mở rộng thị trường XK như gợi ý về hướng ra cho quả ớt. Điều quan trọng cho hoạt động XK hành tím là cần làm một chuỗi quy trình khép kín từ việc ký kết hợp đồng thương mại đến chuẩn bị hàng hóa để XK được thuận lợi, không bị ách tắc vì dịch bệnh.
Chẳng hạn như việc XK hành tím sang thị trường Hàn Quốc đòi hỏi các DN Việt cần chủ động tìm đối tác, thương lượng và ký kết hợp đồng thương mại. Ở thị trường này thì kiểm dịch thực vật là bước quan trọng để xác định hành tím XK có đạt chất lượng hay không và là giấy tờ cần thiết giúp nhà nhập khẩu làm tiếp thủ tục nhập khẩu bên nước họ.
Mặc khác, các DN XK hành tím cần quan tâm nhiều đến khâu làm thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ C/O. Bởi vì khi xin được C/O, nhà nhập khẩu sẽ được hưởng ưu đãi về thuế khi nhập khẩu, giúp cho họ tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh và giúp các nhà XK hành tím của Việt Nam có thể bán được nhiều hàng hơn.
Thực tế cho thấy nhiều năm nay nếu đầu ra trong nước bấp bênh, lại không chủ động mở rộng thị trường XK và vẫn để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường truyền thống (như Trung Quốc) thì chuyện rau củ quả thường rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá” là khó tránh khỏi.
Và để mở rộng thị trường XK thì việc xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cho rau củ quả Việt là rất quan trọng. Tuy vậy, theo nhóm chuyên gia tại Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) thì nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới. Điều này đã khiến các hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam chưa mang lại nhiều giá trị.
Hơn nữa, các hoạt động dịch vụ cung cấp thông tin và dự báo về thị trường sản phẩm rau củ quả trên thế giới chưa được đầy đủ đã làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của rau củ quả Việt.
Do đó, để chọn cửa xuất cho rau củ quả Việt nhằm tránh cảnh rớt giá, thường xuyên lặp lại chuyện “giải cứu” thì thời gian tới rất cần tăng cường hơn nữa năng lực thông tin, dự báo, cảnh báo, đàm phán, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại…
Thế Vinh