Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/9/2018, cả nước có 2.182 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 14,1 tỷ USD, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2017; 841 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ.
Đồng thời, cả nước có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,7 tỷ USD, tăng 36,8%.
Có dự án chỉ 1 triệu USD
Tính chung trong 9 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, quy mô vốn của các dự án FDI vào Việt Nam ngày càng nhỏ. Trong 9 tháng qua, chỉ có một số dự án có giá trị lớn như dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD; dự án Nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD; dự án công ty TNHH Laguna đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD và dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT Tp.HCM, cho biết thời gian qua, số vốn FDI/ dự án quá nhỏ, khó tạo được cú hích trong đầu tư nhưng cơ quan này không thể từ chối đăng ký vì quy định không cấm đăng ký vốn nhỏ.
Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc, theo các chuyên gia, sẽ đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam sẽ là một điểm lựa chọn của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Trung Quốc đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Vì vậy, không loại trừ các công nghệ cũ, máy móc kém chất lượng sẽ nhân tiện được chuyển ra nước ngoài, trong đó Việt Nam là một "bến đỗ" được lựa chọn. Khi đó, đứng trên quan điểm tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cơ hội lại biến thành thách thức, thậm chí là nguy cơ.
"Chúng ta nên thận trọng với loại cơ hội này bằng cách xây dựng chiến lược thu hút FDI hiệu quả theo nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư "đẳng cấp", đáng tin cậy. Để dòng vốn FDI kém chất lượng tràn sang thì rất nguy hiểm", ông Thiên cảnh báo.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng Thống kê, cho rằng phải ngăn chặn những dự án FDI nhưng công nghệ lạc hậu, nhất là khi quy mô dự án FDI ngày một nhỏ, có dự án chỉ 1 triệu USD. Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam phải sàng lọc thu hút FDI chứ không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Lo ngại hơn, thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều DN FDI nhỏ và siêu nhỏ đã vào Việt Nam để làm "vệ tinh" cung ứng nguyên vật liệu cho các "ông lớn" FDI.
Số dự án FDI lớn nhưng quy mô vốn ngày càng nhỏ |
Có nên từ chối?
Ts. Phạm Sỹ An, Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết hiện nay, nhiều DN nước ngoài đến Việt Nam và mang theo DN vệ tinh của họ nên ít tận dụng DN nhỏ và vừa trong nước.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước khó phát triển. Trong quá trình sản xuất, nhiều "ông lớn" FDI chủ yếu quan tâm DN vệ tinh của họ và hầu như bỏ qua DN nhỏ khác.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy DN FDI chiếm khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp; chiếm hơn 72% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của những tập đoàn này không kéo khu vực DN trong nước phát triển.
Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ DN Việt Nam, còn lại nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Điều này chứng tỏ DN Việt Nam được hưởng lợi chưa tương xứng với khối DN vốn FDI khá lớn tại Việt Nam, quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất còn hạn chế.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng cần rà soát và thống kê cụ thể xem cơ cấu các dự án quy mô nhỏ thuộc lĩnh vực, ngành hàng nào. Với dự án dịch vụ quy mô nhỏ là dễ hiểu. Nhưng kể cả thế cũng phải đặt vấn đề xem có nên thu hút các dự án FDI như vậy hay không.
Trên thực tế, nhiều năm qua, Bộ KH&ĐT đã từng tính đến chuyện sẽ quy định một mức vốn đầu tư tối thiểu đối với các dự án FDI. Tại hội nghị 30 năm thu hút FDI diễn ra vào hôm nay (ngày 4/10), vấn đề này chắc chắn sẽ được đưa ra bàn thảo.
Thông tin về hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định thời gian qua, khu vực FDI đã có những đóng góp tích cực tới nền kinh tế, nhưng cũng có một số hạn chế bất cập.
Do vậy, phải kịp thời đánh giá lại, cái nào chưa được, nguyên nhân hạn chế từ đâu. Quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân ở khâu thể chế, chính sách hay khâu tổ chức thực hiện để có giải pháp điều chỉnh trong giai đoạn tới.
Lê Thúy
Ts. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng CIEM Việt Nam kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tạo ra sức lan tỏa về kỹ năng, lao động chất lượng cao, khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng đó, chưa tác động tới nhiều DN trong nước. Nguy hại hơn, nếu quản lý vĩ mô không tốt, dòng vốn FDI đổ vào ồ ạt còn tạo ra lạm phát, bong bóng bất động sản… Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Khu vực DN FDI là một bộ phận của nền kinh tế nước ta nhưng sắp tới phải có điều chỉnh về mặt chiến lược, định hướng thu hút FDI để dòng vốn này mang lại hiệu quả. Việt Nam tiếp tục thu hút FDI nhưng thu hút có trọng tâm, trọng điểm, ví dụ gắn với quá trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế; gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0 – đưa công nghệ mới, các hình thức đầu tư, kinh doanh mới vào Việt Nam. Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Không thể nói các dự án FDI có quy mô nhỏ là không cần thiết và kém hiệu quả, nhưng một khi các dự án quy mô nhỏ, thậm chí dưới 1 triệu USD/dự án quá nhiều thì cũng cần xem xét lại. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang chuyển hướng sang thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn hay các dự án có sức lan toả đến kinh tế – xã hội Việt Nam. |