Thời gian qua, vốn FDI là một động lực chính cho sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trừ một thời gian gián đoạn ngắn trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 2007 – 2009, dòng vốn FDI và lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam luôn tăng mạnh theo từng năm.
Xuất hiện nhiều bất lợi
Năm 2017 là một năm kỷ lục về thu hút vốn FDI của Việt Nam. Theo dữ liệu của Bộ KH&ĐT, dòng vốn FDI đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, từ 20 tỷ USD năm 2014 lên gần 36 tỷ USD năm 2017, tức tăng 44% so với năm 2016. Ước tính vốn FDI thực hiện trong 12 tháng của năm 2017 là 17,5 tỷ USD và đây cũng là một kỷ lục.
Tuy nhiên, chính Bộ KH&ĐT cũng lo ngại, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; sự cạnh tranh trong thu hút FDI đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và sự nổi lên của một số thị trường như Myanmar, Indonesia…, dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam khó có khả năng tăng mạnh trong các năm tới.
Theo đánh giá của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhiều tập đoàn toàn cầu như Samsung, Toyota, cũng như các nhà sản xuất theo hợp đồng như Jabil và Foxconn đã xây dựng những nhà máy quy mô lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ nguyên liệu và thiết bị mua sắm trong nước của các doanh nghiệp (DN) này tại Việt Nam lại rất thấp.
Một khảo sát gần đây của WB cho thấy, vào năm 2015, các DN Nhật Bản – những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam – chỉ tìm được 32% nhà cung cấp mà họ cần tại Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ này là 65% ở Trung Quốc, 55% ở Thái Lan và 40% ở Indonesia. Trong tổng số nguyên liệu đầu vào cung cấp tại Việt Nam, chỉ có 13% là được cung cấp bởi các DN nội.
Mặc dù Việt Nam đã có các DN đầu tư vào công đoạn lắp ráp cuối cùng và Việt Nam hiện có nhiều nhà cung cấp lớn có quy mô toàn cầu, nhưng các nhà cung cấp trong nước chủ yếu vẫn chỉ giới hạn ở những công đoạn có giá trị gia tăng thấp như sản xuất các nguyên vật liệu cơ bản và đóng gói.
Bởi vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục chỉ ra những hạn chế của sản xuất, đó là việc thiếu các nhà cung ứng trong nước có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, số lượng, thời gian giao hàng và giá cả. Đây cũng chính là bất lợi của Việt Nam so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Myanmar.
Bên cạnh đó, ông Sebastian Eckardt cho rằng còn nhiều vấn đề liên quan đến chính sách và môi trường kinh doanh vẫn cản trở Việt Nam trong việc khai thác hết các tiềm năng của FDI. Trong đó, quá nhiều giấy phép vẫn là những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các quốc gia trong khu vực ASEAN như Myanmar, Indonesia |
Thách thức thời 4.0
Hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì các danh mục cụ thể về các điều kiện kinh doanh đối với các DN và các nhà đầu tư. Điều này làm hạn chế việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng Việt Nam rất cần nguồn vốn đầu tư từ Mỹ, vì đây là quốc gia có nguồn tài chính tốt, công nghệ hiện đại và có nhiều trường đại học đẳng cấp nhất thế giới…
Tuy nhiên, đến nay, vốn đầu tư thực hiện của Mỹ ước chỉ khoảng 5 tỷ USD trong tổng số khoảng 180 tỷ USD vốn FDI đã thực hiện tại Việt Nam là một con số rất khiêm tốn.
"Để thu hút được dòng vốn FDI từ Mỹ, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết đang gây phiền hà, sách nhiễu nhà đầu tư", ông Mại khuyến nghị.
Trên thực tế, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017- 2018 (Diễn đàn Kinh tế Thế giới), Việt Nam xếp hạng 55 trên tổng số 137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2016 và 20 bậc so với cách đây 5 năm.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh tốt lên chỉ khi so với chính mình, còn so với các nước top đầu ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia), Việt Nam vẫn còn kém xa.
Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD/người, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cho rằng thời gian tới, một mặt các bộ, ngành địa phương cần phải tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mặt khác, cần thúc đẩy giải ngân, không cấp phép các dự án công nghệ lạc hậu, có tác động xấu tới môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp. Tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn cả nước, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất đai bao gồm cả việc rút giấy phép nếu cần thiết.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần gắn cuộc cách mạng này với việc thu hút FDI bằng cách dựa trên nền tảng tận dụng công nghệ 4.0 để thu hút hình thức đầu tư mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước đây, Việt Nam hay quan tâm tới hình thức đầu tư nước ngoài truyền thống như công nghiệp chế tạo, điện thoại, may mặc…, nhưng nay còn có đầu tư phi truyền thống như mô hình kinh tế chia sẻ.
Lê Thúy
Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Xu hướng dịch chuyển dòng vốn giữa các quốc gia lúc nào cũng có. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ khiến xu hướng này diễn ra mạnh hơn, thành làn sóng. Nếu những nhà đầu tư rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc thì họ sẽ vào đâu? Việt Nam sẽ là một địa chỉ thay thế được chú ý. Tuy nhiên, chúng ta nên thận trọng với loại cơ hội này bằng cách xây dựng chiến lược thu hút FDI hiệu quả theo nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư "đẳng cấp", đáng tin cậy. Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Việt Nam nên học hỏi Indonesia trong cách tiếp cận về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thu hút FDI. Chẳng hạn như từng bị đánh giá là quốc gia có môi trường đầu tư ở mức thấp nhất ASEAN nên Tổng thống Indonesia đã yêu cầu phải thay đổi một cách cơ bản môi trường đầu tư. Hiện, Indonesia vẫn đang nỗ lực cải tổ nền kinh tế để tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn chính sách ưu đãi hiện hành cùng với các mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới. Các ưu đãi dựa trên lợi nhuận được sử dụng nhằm thu hút FDI hiện hành là ít phù hợp với việc khuyến khích phát triển mạng lưới cung cấp trong nước, phát triển công nghệ xanh và gia tăng giá trị và đào tạo nguồn nhân lực. Ở các lĩnh vực này, việc áp dụng hay tăng cường các ưu đãi dựa trên hiệu quả hoạt động đầu tư sẽ phù hợp hơn. Việc thay đổi tư duy trong lĩnh vực này cũng rất cần thiết, chuyển từ việc cạnh tranh về ưu đãi sang cạnh tranh về môi trường đầu tư vượt trội và các lợi thế so sánh khác. |