Nhưng cách đây 30 năm, ở thời điểm bắt đầu Đổi Mới và cải cách mở cửa, khi vấn đề thu hút vốn của "tư bản" lần đầu được đưa lên bàn nghị sự, câu chuyện khi đó hoàn toàn không đơn giản như chúng ta thấy hôm nay. TBKD xin giới thiệu bài viết của Ts. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT.
30 năm, khoảng thời gian tương đương với một thế hệ, Việt Nam đã hấp thụ một lượng vốn FDI lên tới 333,8 tỷ USD tính đến cuối tháng 8/2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam thu hút 20,33 tỷ USD vốn FDI, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn này không chỉ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng thần kỳ, mà còn thay đổi cơ bản quan hệ kinh tế, sản xuất, kinh doanh của đất nước.
Nhưng mọi nền kinh tế đều có chu kỳ tăng trưởng của nó, và trong mỗi giai đoạn, việc điều tiết dòng vốn đều đóng vai trò then chốt. Với mức lương trung bình đang tăng lên nhanh chóng, kéo theo chi phí sản xuất tăng cao, Việt Nam cần phải có sự thay đổi về chiến lược thu hút vốn FDI để có thể vượt qua ngưỡng giới hạn nguy hiểm đó, để không đi theo vết xe đổ của nhiều quốc gia khác rơi vào bẫy thu nhập trung bình – một cách nói văn hoa của sự nghèo đói theo hướng hiện đại.
Thế giới không còn như 30 năm trước
Các bước đi về chính sách mở cửa từng bước phù hợp với đặc thù, tính chất của từng giai đoạn phát triển được thể hiện rất rõ ràng từ Bộ luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tiên 1987, qua các lần sửa đổi bổ sung vào các năm 1990, 1992, 1995, 2000, 2005 (trở thành Luật Đầu tư chung áp dụng cho cả đầu tư trong nước và nước ngoài), rồi tiếp tục được hoàn chỉnh vào các năm 2014, 2016, 2017, đều vô cùng thận trọng và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội đất nước ở thời điểm ban hành, sửa đổi.
Bước vào giai đoạn hiện nay, bối cảnh chính trị – kinh tế thế giới đã và đang diễn biến phức tạp, khó tiên đoán. Bên cạnh đó là cuộc Cách mạng 4.0, khiến tốc độ tiến bộ của khoa học và công nghệ đã trở nên nhanh đến chóng mặt. Một phương pháp sản xuất – kinh doanh mới, một sản phẩm mới vừa ra đời, ngay sau đó đã có phương pháp sản xuất – kinh doanh mới, sản phẩm mới xuất hiện và thay thế.
Cùng với đó là Chủ nghĩa dân túy có chiều hướng quay trở lại, chủ nghĩa bành trướng của nước lớn vẫn hiện hữu và ngày càng tinh vi hơn. Những nước lớn có tiềm lực về kinh tế và quân sự thậm chí còn dùng cả vũ lực để chèn ép các nước nhỏ phục vụ cho lợi ích của mình. Bên cạnh chiến tranh và đói nghèo vẫn đang xảy ra ở một số khu vực, hình thức xâm lấn mềm thông qua đầu tư, thương mại, di dân cũng đã hiển hiện. Vốn đầu tư đã trở thành một vũ khí của các nước lớn trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình.
Việc chủ động chuyển hướng chính sách trong giai đoạn tới đối với FDI là cần thiết trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng: "Không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá".
Chủ động chuyển hướng chính sách thu hút FDI ở đây có ý nghĩa rằng song song với việc có các giải pháp thích hợp ngăn ngừa được các tác động xấu về kinh tế – chính trị quốc tế nêu trên, Việt Nam vẫn phải duy trì việc phát triển những lĩnh vực, ngành nghề truyền thống và những ngành nghề có tiềm năng phát triển, là mũi nhọn của nền kinh tế, bằng cách bắt kịp những tiến bộ của khoa học và công nghệ, làm sao để đưa được các tiến bộ này, thông qua FDI, hay mua công nghệ, đưa ngay vào sản xuất các sản phẩm, hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Chủ động chuyển hướng chính sách còn bởi vì có những chính sách chúng ta đã kiên trì theo đuổi, dành nhiều tâm huyết trong thời gian qua, nhưng vẫn không đạt được mục tiêu. Không phải do chúng ta kém cỏi, mà do chúng ta chưa chịu nhìn ra bản chất của FDI là đầu tư tư nhân, là thu lời tối đa thông qua đầu tư tại nước ngoài.
Hoạt động đầu tư thu lời này của các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đối với Việt Nam mà còn tương tự đối với tất cả các nước tiếp nhận đầu tư khác (kể cả các nước phát triển, còn các nước chậm hay đang phát triển – do các biện pháp phòng thủ còn yếu, vì lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn, hàng hóa nước ngoài nên bị thiệt thòi nhiều hơn).
Ví dụ cụ thể như việc thu hút công nghệ cao (CNC) từ FDI được đặt ra ngay từ đầu, nhưng đến nay, trong dự thảo đề án vẫn còn mục trình bày về "Năng lực công nghệ của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa cao và chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước còn hạn chế".
Có thể nói, thu hút FDI là hoạt động trong thị trường đầu tư quốc tế. Thị trường này có thể hiểu một cách đơn giản là "chợ đầu tư". Đã là chợ thì có mua, có bán, và không ai cho không ai bao giờ (có chăng chỉ là cho những đồng bạc lẻ cho những người ăn xin trong chợ). Không có nhà đầu tư nào lại chuyển giao công nghệ cao (CNC) của họ cho người khác trong khi công nghệ đó vẫn mang lại cho họ lợi nhuận cao và chưa có công nghệ mới thay thế.
Nhu cầu thực tế đây là quy luật thị trường khách quan nên là xem xét việc chuyển hướng chính sách từ trông chờ vào chuyển giao CNC từ các nhà đầu tư nước ngoài cho Việt Nam sang việc chủ động tìm mua CNC để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu Made in Vietnam, cũng như chất lượng hàng tiêu dùng trong nước.
FDI vẫn sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn |
Chủ động mua công nghệ cao
Chủ động điều chỉnh chính sách sang việc mua CNC cho nền sản xuất của mình, cũng như tập trung vốn đầu tư cho đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, các nhà quản lý CNC là hai việc phải song hành thực hiện. Bài học của một số doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chủ động bỏ vốn ra mua công nghệ, thuê chuyên gia về đào tạo, đã phát triển doanh nghiệp nhanh có hiệu quả và thành công là những bài học quý báu cần nhân rộng.
Do hiện tại Nhà nước còn khó khăn về các nguồn lực nên ngoài việc tạo điều kiện có vốn cho doanh nghiệp Việt thông qua hệ thống luật pháp, chính sách về tài chính, thuế, đất đai, đào tạo… theo hướng thông thoáng hơn, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Việt mạnh dạn đầu tư vào CNC, việc chuyển hướng chính sách mua CNC cũng cần đi dần từng bước.
Trước hết cần tập trung đầu tư, mua CNC cho một số các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và vùng trọng điểm, sau đó mới đến các lĩnh vực, vùng còn lại trong cả nước.
Để có vốn mua CNC, cần có định hướng tiêu dùng thắt lưng buộc bụng và chính sách huy động được vốn nhàn rỗi trong dân, như trong các thời kỳ còn khó khăn trước đây. Giảm thiểu đến tối đa các hoạt động hình thức, nâng cao năng lực quản trị để ngăn chặn thất thoát đầu tư công, để có thêm tiền đầu tư, mua CNC cho phát triển.
Ngoài ra còn một vấn đề nữa cũng cần xem xét để điều chỉnh chính sách đối với FDI, đó là việc chuyển giao CNC từ các doanh nghệp FDI sang cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được thực hiện ở đâu và bằng phương thức nào, khi hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài đang chiếm tới gần 80% số doanh nghiệp FDI đã đăng ký đầu tư tại Việt Nam đến nay. Chẳng nhẽ, họ đặt bàn ở ngoài cổng nhà máy để chuyểngiao CNC cho các doanh nghiệp Việt qua đường quan tâm?
Vì vậy, việc chuyển hướng chính sách phải gắn với khuyến khích đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo hình thức công ty liên doanh, công ty cổ phần, hạn chế hình thức 100% vốn nước ngoài.
Không nên để doanh nghiệp FDI có quy mô lớn, chiếm diện tích đất lớn đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, để họ quản lý như một khu vực riêng, đến Đoàn kiểm tra liên ngành vào cũng khó, còn họ có xây dựng gì, làm gì trong đó cũng khó phát hiện kịp thời. Việc một số công ty nước ngoài xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông, biển, gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua là bài học rất đắt giá.
Việc chuyển hướng chính sách cũng cần chủ động trong việc lựa chọn nhà đầu tư dựa vào tư cách, lý lịch của họ, đồng thời tạo nên một tỷ lệ đầu tư hài hòa, cân đối giữa các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới, tránh việc lựa chọn chỉ căn cứ vào quy mô lớn của dự án mà không tính đến chất lượng dự án và chưa trả lời được các câu hỏi: có đúng là chúng ta cần nhà đầu tư đó không; có thực sự cần dự án đó không; việc lựa chọn dự án đó vì lợi ích chung hay lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm?
Các nước lớn như Mỹ, ngay gần đây cũng đã có các chuyển hướng chính sách về thu hút FDI. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký "Đạo luật thẩm quyền cấp quốc gia" (NDAA) tăng cường quyền lực của Ủy ban về đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS ), cơ quan này có trách nhiệm thẩm định định liệu các khoản đầu tư nước ngoài có đe dọa đến an ninh quốc gia của nước Mỹ hay không.
Học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để tránh những sai lầm sẽ giúp tiết kiệm được những khoản học phí khổng lồ. Sử dụng, điều tiết và giám sát nguồn vốn FDI một cách khôn khéo, chúng ta sẽ rút ngắn được chặng đường phát triển đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
FDI vẫn sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn, ít nhất là cho tới khi đất nước dư thừa tích lũy và đạt tới tầm phát triển khoa học công nghệ ở mức tiệm cận các nước tiên tiến trên thế giới.
Ts. Phan Hữu Thắng