Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thường trực Chính phủ về các nội dung của Quy hoạch điện VIII. Trong đó, Bộ Công Thương đã tiến hành tính toán với 3 kịch bản gồm kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải cao và kịch bản phụ tải cao phục vụ điều hành.
Trong tổng công suất 14.120 MW nhiệt điện than không đưa vào Quy hoạch điện VIII có 8.420 MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư. |
Ở kịch bản phụ tải cơ sở, tổng công suất các nhà máy điện năm 2030 đạt 120.995 MW và năm 2045 đạt 284.660 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).
Ở kịch bản phụ tải cao, tổng công suất các nhà máy điện năm 2030 đạt 387.875MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).
Ở kịch bản phụ tải cao phục vụ điều hành, năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cho hay sẽ rà soát các dự án điện than, điện khí đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh đến nay không đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII (theo yêu cầu thực hiện các cam kết tại COP 26).
Cụ thể, trong tổng công suất 14.120 MW nhiệt điện than không đưa vào Quy hoạch điện VIII có 8.420 MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao 3.600 MW (Quảng Trạch II, Tân Phước I và Tân Phước II), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao 1.980 MW (Long Phú III), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao 2.840 MW (Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I); dự án đầu tư theo hình thức BOT là 4.500 MW (Quỳnh Lập II, Vũng Áng 3, Long Phú II) và chưa giao nhà đầu tư 1.200 MW (Quảng Ninh III).
Trong quá trình rà soát, đánh giá những vấn đề pháp lý khi không xem xét phát triển các dự án điện than nêu trên, Bộ Công Thương thấy rằng đối với các dự án do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, rủi ro pháp lý là không có, các chi phí phát triển dự án do các tập đoàn đã bỏ ra không lớn và cơ bản sẽ được xử lý theo quy định.
Các dự án điện khí gồm dự án TBKHH Kiên Giang I và II, quy mô công suất 2x750MW, do PVN là chủ đầu tư, dự kiến vận hành giai đoạn 2021-2022. Hiện nay, chi phí do PVN bỏ ra để phát triển các dự án này khoảng 1 tỷ đồng. Các dự án này không được xem xét trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 do không xác định được nguồn nhiên liệu. Các chi phí cho chuẩn bị đầu tư PVN có trách nhiệm xử lý theo quy định.
Theo đó, Bộ Công Thương xin ý kiến thường trực Chính phủ về việc loại bỏ các dự án điện than không phù hợp nêu trên nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.
Với quy mô của các nguồn nhiệt điện than vào năm 2030 giảm mạnh, nhưng phù hợp với hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nên Quy hoạch Điện VIII đã thay thế công suất điện than này bằng khoảng 14GW nguồn điện nền sạch hơn là điện LNG.
Còn lại bù bằng 12-15GW các nguồn năng lượng tái tạo (do số giờ vận hành các dự án nguồn năng lượng tái tạo chỉ bằng khoảng 1/3 (điện gió) và 1/4 (điện mặt trời) so với các nguồn điện than hoặc khí).
Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045.
Theo đó, cùng với loại bỏ các nguồn điện than, Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục đưa vào 2.428,42MW nguồn điện mặt trời tại các dự án đã có chủ trương đầu tư, được chấp thuận đầu tư và đang triển khai xây dựng, có tổng chi phí ước tính khoảng 12.700 tỷ đồng.
Lý do của việc tiếp tục đưa vào vận hành các dự án này theo Bộ Công thương là nếu trường hợp không tiếp tục triển khai sẽ gây lãng phí tài sản xã hội, có khả năng dẫn tới kiện tụng đòi bồi thường của Nhà nước. Vì vậy, để tránh rủi ro về mặt pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho nhà đầu tư, cần tiếp tục chấp thuận triển khai dự án.
Đối với 4.136,25MW nguồn điện mặt trời còn lại tại các dự án đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận đầu tư, Bộ Công Thương kiến nghị giãn tiến độ sang giai đoạn sau năm 2030.
Tuy nhiên, định kỳ hằng năm sẽ rà soát, tính toán khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia, khả năng giải tỏa công suất cục bộ, vận hành hệ thống, trong trường hợp cần thiết sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ đưa vào giai đoạn trước năm 2030 nếu các nguồn khác chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện.
Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, cách đây hai ngày, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan góp ý và gửi cơ quan thường trực Chính phủ ngày 28/7.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng lần 1 vào tháng 3/2021. Sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa cuối tháng 4, Bộ này đã trình lại Thủ tướng lần 3 bản. Dự thảo quy hoạch này đã hai lần được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, nhưng tới giờ vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt.
L. Thúy