Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo của Quy hoạch điện VIII, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2020.
Năng lượng tái tạo "lên ngôi"
Theo Bộ Công Thương, trong quy hoạch điện VIII lần này sẽ đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là các nguồn điện gió và mặt trời. Dự kiến, quy mô của các nguồn thủy điện, gió, mặt trời và sinh khối của Việt Nam sẽ chiếm tới trên 40% vào năm 2030.
Điện Hạt nhân sẽ không xuất hiện trong kịch bản chọn của Quy hoạch điện VIII. |
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo Quy hoạch điện VIII, cho biết có hơn 10 kịch bản phát triển nguồn điện đã được tính toán trong Quy hoạch lần này.
Cụ thể, kịch bản B0 - tức là giả thiết phát triển nguồn điện của Việt Nam không thay đổi, vẫn đi theo định hướng của Quy hoạch VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, kịch bản này được lấy là kịch bản gốc để so sánh và đánh giá cho các kịch bản tiếp theo.
Các kịch bản sau đó hướng vào mục tiêu phát triển NLTT như kịch bản mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam với thế giới; kịch bản không phát triển thêm nhiệt điện than và kịch bản có phát triển điện hạt nhân.
"Các kịch bản này sẽ được tính toán, phân tích, so sánh và lựa chọn theo các tiêu chí: Đảm bảo an ninh cung cấp điện, có chi phí sản xuất điện hợp lý, đáp ứng được các tiêu chí về chính sách phát triển NLTT, đáp ứng các cam kết về bảo vệ môi trường của Việt Nam với quốc tế, có khối lượng xây dựng lưới điện truyền tải thấp", ông Dũng cho biết.
"Như vậy, điện hạt nhân sẽ không xuất hiện trong kịch bản chọn của Quy hoạch điện VIII lần này", ông Dũng nói.
Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, do phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất điện nên giá thành sản xuất điện của các loại hình NLTT ngày càng rẻ hơn. Giá thành sản xuất của điện gió, điện mặt trời đã giảm tới trên 50% trong 10 năm qua, cạnh tranh được với nhiệt điện khí và trong tương lai có thể cạnh tranh với nhiệt điện than.
Về phần điện hạt nhân, đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận, điện hạt nhân tuy vận hành rất ổn định nhưng đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí vận hành khá lớn nên có giá thành sản xuất điện cao, không thể cạnh tranh được với các loại hình sản xuất điện truyền thống và các loại hình sản xuất NLTT trong tương lai gần.
Đồng quan điểm nên đẩy mạnh phát triển NLTT trong Quy hoạch điện VIII, bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cũng cho rằng, NLTT là lựa chọn khả thi tốt nhất cho Việt Nam. Với các ưu điểm về tính khả thi của công nghệ, lợi ích kinh tế và dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính. Việc sản xuất điện từ NLTT đang bùng nổ trên toàn thế giới một vài năm gần đây đã cho thấy rõ hiệu quả của loại hình năng lượng này.
Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn năng lượng trong nước, thoát khỏi việc bị phụ thuộc nhập khẩu năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thậm chí cả khi không có gió và ánh sáng mặt trời thì năng lượng vẫn được cung cấp đủ nhờ những tiến bộ trong công nghệ lưu trữ điện.
Bao giờ nên xem xét điện hạt nhân?
Đề cập đến câu chuyện phát triển điện hạt nhân, bà Khanh cho rằng chi phí để đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân là rất lớn nhưng chi phí vòng đời, chi phí vận hành của nhà máy còn lớn hơn. Thêm nữa là chi phí mua nhiên liệu hạt nhân. Việt Nam sẽ luôn phải phụ thuộc vào giá do các quốc gia xuất khẩu đặt ra.
Đồng thời còn phải tốn chi phí cho việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Những chi phí này bao gồm chi phí để đào tạo nhân lực chuyên phụ trách xử lý và ứng phó với các tình huống khẩn cấp, chi phí để phát triển các kế hoạch ứng phó khẩn cấp... Đáng lo ngại, nếu xảy ra tai nạn hoặc sự cố gây thiệt hại, chi phí để làm sạch và phục hồi sẽ rất lớn.
Liên quan tới điện hạt nhân, PGS.TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nêu quan điểm, với Việt Nam, trong giai đoạn trước mắt, khoảng 10 năm tới thì chưa nên đặt vấn đề điện hạt nhân, vì lúc mình quyết định xây dựng cũng khá vội vàng chưa tranh luận hết, dẫn đến lúc dừng cũng khá đột ngột.
"Với những dự án mang ý nghĩa, chủ trương sống còn của đất nước việc đưa ra những quyết định vội vàng như vậy là không nên", ông Long nhấn mạnh.
Tuy vậy, trong tương lai, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng việc khởi động dự án điện hạt nhân là cần thiết vì nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt.
Trong khi đó, theo ông Trần Xuân Hoà, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam, từ bây giờ Việt Nam nên tính tới vấn đề quay lại điện hạt nhân. Chúng ta cứ lo ngại rằng loại nguồn điện này không an toàn nhưng thực tế điện hạt nhân vẫn rất an toàn so với các loại điện khác.
Điều đó có nghĩa, Bộ Công Thương, Viện Năng lượng... cần phải có cơ sở thẩm định độc lập để đảm bảo an toàn của loại nguồn điện hạt nhân. Từ đó, Việt Nam có thể tính tới phương án khởi động lại điện hạt nhân trong Quy hoạch năng lượng.
"Tôi tiếc vì chúng ta phải dừng điện nguyên tử, trong khi tôi biết ngành dầu khí, điện lực chuẩn bị khá ông phu, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đào tạo nhân lực đến hạ tầng triển khai dự án, bây giờ phải bỏ phí. Vậy, chúng ta có nên xem xét khởi động lại điện hạt nhân hay không, bao giờ là thời điểm nên xem xét", ông Hòa đặt vấn đề.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương ngày 25/11/2009, gồm 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 sẽ được khởi công vào năm 2020. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì lý do kinh tế.
Ông Hoàng Tiến Dũng Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Sự phát triển của khoa học công nghệ cho phép hình thành các hệ thống điện thông minh, trong đó, nguồn điện từ NLTT kết hợp hài hòa với các nguồn năng lượng truyền thống, các nguồn điện linh hoạt, các thiết bị pin tích năng sẽ đảm bảo cho Việt Nam có một hệ thống điện có độ tin cậy cao, có giá thành hợp lý đối với người tiêu dùng. Hơn nữa, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng về NLTT rất lớn, trong đó, điện mặt trời trên 300GW, điện gió trên 300GW. Ông Nguyễn Quân Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Việc phát triển điện hạt nhân không đơn thuần như các nguồn điện khác. Muốn khởi động, trước tiên chúng ta cần làm chủ công nghệ, trực tiếp người Việt Nam vận hành mới đảm bảo an toàn hạt nhân. Bên cạnh đó, các công việc cần làm đó là hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và chuẩn bị hành lang pháp lý làm cơ sở để thực hiện. Ông Hà Đăng Sơn Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh Phương án điện hạt nhân khả thi ở một số điều kiện nhất định và cần phải được xem xét đánh giá, nhất là với những tiến bộ gần đây về công nghệ điện hạt nhân. Ví dụ công nghệ lò mới được nghiên cứu bởi công ty TerraPower do Bill Gates thành lập hay các giải pháp lò phản ứng hạt nhân dạng mô-đun cỡ nhỏ với khả năng dễ dàng vận chuyển lắp đặt ở những khu vực mặt bằng hạn chế. |
Lê Thúy