Uzbekistan đã bắt tay vào một loạt cải cách để mở cửa ra thế giới, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy nền kinh tế kể từ khi ông Shavkat Mirziyoyev lên nắm quyền năm 2016 kế nhiệm Tổng thống Islam Karimo sau 3 thập kỷ tại vị.
“Chung mâm” với các cường quốc
Quyết định xây dựng lò phản ứng hạt nhân thương mại đầu tiên là động thái mới nhất để phát triển nền kinh tế Uzbekistan. Dự án dài hơi này nhận được sự giúp đỡ của Nga và ông Mirziyoyev cho rằng sẽ mang đến “động lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác giữa hai nước”.
Cùng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mirziyoyev đã đưa ra sáng kiến tại Tashkent hồi tháng 10/2018 với việc bắt đầu các khảo sát xây dựng nhà máy - dự án hạt nhân duy nhất ở Trung Á sau khi Kazakhstan đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân vào cuối những năm 1990.
Kazakhstan - nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới, vẫn còn lưỡng lự trong việc xây dựng mới các lò phản ứng hạt nhân trước sức ép dư luận, bởi ký ức về tác hại sinh thái của các vụ thử hạt nhân tại Semipalatinsk thời Liên Xô vẫn chưa phai.
Nhưng Uzbekistan - nước sản xuất uranium lớn thứ bảy trên thế giới, lại xem dự án hạt nhân này có vai trò quan trọng. Theo ông Jurabek Mirzamakhmudov - người đứng đầu cơ quan hạt nhân quốc gia Uzatom (mới thành lập hồi tháng 7/2018), Uzbekistan muốn gia nhập nhóm các nước sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và đây là một cấp độ hoàn toàn mới về quan hệ, công nghệ, phát triển khoa học và giáo dục.
Các chuyên gia nhận định chiến lược hạt nhân sẽ biến Uzbekistan thành quốc gia đầu tiên trong khu vực sử dụng nhà máy điện hạt nhân và có vị thế lớn hơn trong hoạt động sản xuất điện. Để trở thành một cường quốc trong khu vực và thu hút giới đầu tư, Uzbekistan cần nguồn cung điện ổn định.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trên thế giới có khoảng 30 quốc gia đã vận hành các nhà máy điện hạt nhân tính đến cuối năm 2017; 20 trong số đó đã hoặc sẽ có các dự án nhà máy hạt nhân.
Theo kế hoạch, Uzatom và đối tác chiến lược của mình, cơ quan hạt nhân quốc gia Nga - Rosatom, sẽ xây dựng hai lò phản ứng thế hệ mới nhất. Lò đầu tiên khởi công vào năm 2022 và vận hành từ cuối năm 2028, còn lò thứ hai sẽ hoàn thành 18 tháng sau đó.
Chia sẻ rằng sở dĩ năng lượng hạt nhân được ưu tiên, ông Mirzamakhmudov cho rằng vì Uzbekistan có sẵn lợi thế uranium dồi dào và quan trọng nhất là tiềm năng lợi ích kinh tế cho đất nước vì nó vừa sạch lại vừa rẻ, chỉ sau mỗi thủy điện.
Trong khi đó, nguồn năng lượng than, khí đốt, dầu mỏ và thủy điện của Uzbekistan sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng, kể cả với kế hoạch tăng gấp đôi công suất các nhà máy thủy điện vào năm 2030.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Uzbekistan Mirziyoyev nhấn nút tượng trưng bắt đầu triển khai dự án |
Đáp ứng nhu cầu, tăng thu ngân sách
Theo Uzatom, năng lượng hạt nhân dự kiến sẽ chiếm 15% năng lượng của đất nước và bảo đảm cung cấp năng lượng ổn định trước dự báo nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Uzbekistan cũng đang có những bước đi cụ thể trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nhưng các nguồn này cũng chỉ chiếm khoảng 3% sản lượng điện trong một thập kỷ tới vì tính ổn định vẫn là một dấu hỏi chấm.
Một số chuyên gia cho rằng ở nhiều khía cạnh khác nhau, dự án năng lượng hạt nhân là mối quan tâm chiến lược của cả Nga và Uzbekistan. Trong khi Uzbekistan có động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thì Nga, đối tác tham gia hỗ trợ tài chính, có cơ hội tái khẳng định vị thế cường quốc khu vực về an ninh và kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc đang dần mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Nhiều công ty dầu mỏ lớn của Nga như Gazprom và Lukoil đã đầu tư vào ngành công nghiệp xử lý khí đốt Uzbekistan và đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình. Ông Mirzamakhmudov cho biết Uzbekistan sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhà đầu tư nào “dù là Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc hay các quốc gia khác”.
Theo các quan chức Uzbekistan, nếu nước này muốn đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt thì khách hàng tiềm năng sẽ là Gazprom hoặc các nước láng giềng như Kyrgyzstan hay Tajikistan. Ngoài ra, bán điện theo kế hoạch cho các nước láng giềng, chủ yếu là Afghanistan, cũng sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể.
Hải Châu